Nhiều người tranh cãi về thời điểm có thể hòa vốn của tài xế Trung Quốc này.
Gần đây, một người đàn ông Trung Quốc chi 1,55 triệu NDT (tương đương 5,5 tỷ VNĐ) để mua một chiếc Maybach S480 chạy xe dịch vụ. Thông tin này nhanh chóng gây bão trên mạng, khiến không ít cư dân mạng kinh ngạc.
Theo thông tin, người đàn ông này sống ở Bắc Kinh, họ Viên. Do thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc lái xe trên mạng xã hội, ông Viên nhờ vậy cũng thu hút được không ít người theo dõi.
“Chiếc xe này do tôi mua trả góp, trừ đi tiền trả vay mua xe, mỗi tháng tôi vẫn còn gần 10.000 NDT thu nhập. Trước đây, tôi đã làm tài xế xe dịch vụ 6 năm. Số tiền đặt cọc mua xe ban đầu có hơn 500.000 NDT là do tôi tự tích cóp,” ông Viên cho biết.

Theo lời ông Viên, ông áp dụng chiến lược chuyên nhận các đơn hàng đặt trước cao cấp, giá tối thiểu trong giờ thấp điểm là 418 NDT, còn trong giờ cao điểm có thể đạt 468–568 NDT (thậm chí có những đơn lên tới hơn 5.000 tệ), thu nhập mỗi đơn có thể lên tới vài nghìn NDT.
Như vậy, trung bình mỗi tháng nếu nhận khoảng 30–40 đơn, sau khi trừ mọi chi phí, ông vẫn còn lại gần 10.000 NDT thu nhập. Thu nhập khá khẩm lại còn có thể “ngủ nướng đến khi tự nhiên tỉnh” nên ông Viên rất hài lòng với quyết định của mình. Ông cũng tin chắc vào khả năng hồi vốn trong thời gian tới.
Câu chuyện của ông Viên đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng. Có người bày tỏ sự ngưỡng mộ trước đầu óc kinh doanh của ông, cho rằng ông đã nắm bắt chính xác thị trường xe dịch vụ cao cấp, tránh được tình trạng cạnh tranh giá rẻ khốc liệt.
Mặt khác, cũng có người lo lắng thay cho ông, bởi xe sang khấu hao nhanh, chi phí bảo dưỡng cao, nếu lượng đơn không ổn định thì rất dễ lâm vào cảnh thu không đủ chi.
Bên cạnh chi phí nhiên liệu, các khoản liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế linh kiện cũng chiếm phần lớn trong tổng chi phí sử dụng xe. Nếu tiền đổ xăng, dầu có thể dễ dàng ước tính dựa trên mức tiêu hao nhiên liệu, những chi phí còn lại thường khá mơ hồ đối với những ai đang cân nhắc chuyển từ xe phổ thông sang xe sang.
Về nguyên tắc, quy trình bảo dưỡng của xe sang tương tự như xe phổ thông, với các cấp bảo dưỡng nhỏ, trung bình hoặc lớn, tùy theo quãng đường sử dụng, thường là mỗi 5.000–10.000 km. Tuy nhiên, chi phí bảo dưỡng xe sang nhìn chung cao hơn so với xe phổ thông. Mức chênh lệch này đến từ ba yếu tố chính: giá nhân công, chi phí vật tư và danh mục hạng mục cần bảo dưỡng.
Những linh kiện thường phải thay thế bao gồm lọc dầu, lọc gió, má phanh, bugi đánh lửa cùng các loại dầu động cơ hoặc dung dịch làm sạch buồng đốt. Ngoài ra, chi phí còn phát sinh từ nhân công lắp ráp, vật tư phụ trợ như vòng cao su, kẹp nhựa và các chi tiết nhỏ khác.
Do đó, cư dân mạng đất nước tỷ dân chỉ ra rằng, nếu duy trì hiệu suất công việc như hiện tại, ước tính ông Viên sẽ cần khoảng 12–15 năm để hoàn toàn trả hết nợ gốc và lãi, đồng thời đạt đến điểm hòa vốn thực sự.
Tuy nhiên, thực tế có thể khác xa kỳ vọng bởi yếu tố hao mòn tài sản là rất lớn. Xe sang như Maybach không chỉ mất giá nhanh theo thời gian mà chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện sau vài năm sử dụng cũng rất đắt đỏ. Thêm vào đó, thu nhập từ dịch vụ xe công nghệ chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến động bên ngoài như thị trường, chính sách quản lý, xu hướng tiêu dùng…
Điều đó có nghĩa là ông Viên đang đi trên một con đường khá mong manh: chỉ cần lượng khách hàng giảm sút hoặc chi phí đột biến tăng cao, bài toán tài chính của ông sẽ lập tức gặp khó. Dù vậy, việc dám đầu tư lớn và nhắm đúng thị trường ngách cũng cho thấy tư duy nhạy bén cũng như sự quyết đoán của ông trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Thùy Linh (*Theo 163)