Tôi từng nghĩ mình sáng suốt khi bán vàng cưới mua ô tô, nhưng khi thấy giá vàng tăng vùn vụt từ 100 lên 115 triệu đồng/lượng trong vài tuần thì lòng đau như cắt.
Mấy ngày qua, mọi người xung quanh tôi đều nhốn nháo, đứng ngồi không yên vì giá vàng. Đồng nghiệp cứ một lát lại bật thốt lên vì một “đỉnh” mới được xác lập, rồi họ bàn tán chuyện “bắt đáy, bán đỉnh”, rằng ai còn nắm giữ vàng từ năm trước đã lời gần gấp đôi… Nhưng tôi mỗi lần nghe đến hai chữ “giá vàng” là tìm cách lánh đi cho xa hoặc lái câu chuyện sang đề tài khác. Chẳng phải tôi không quan tâm, mà là tôi quá tiếc, tiếc đến xanh cả mặt, đau cả ruột.
Đến chiều hôm qua (16/4) thì tâm trạng của tôi thực sự xuống đáy. Giá vàng tăng như vũ bão, nhảy số liên tục nhiều lần trong ngày. Từ con số “đỉnh” 108 triệu đồng/lượng ngày trước đó (15/4), mức 111 triệu đồng của sáng hôm qua tưởng “khủng” lắm rồi, ai ngờ nó cứ vùn vụt lên 113 triệu, rồi 115 triệu đồng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ.
Tôi không dám kể với ai là mình từng cầm trong tay đến cả chục lượng vàng nhưng rồi “cầm vàng lại để vàng rơi”, hiện không còn lấy một chỉ, chỉ vì tôi đã ưu tiên cho việc nâng cao tiện nghi đời sống, quyết định bán hết vàng để mua ô tô.
Năm 2022, khi 27 tuổi, tôi lấy vợ, được gia đình hai bên và bạn bè thân mừng tổng cộng 10 lượng vàng. Lúc đó thấy giá vàng lên cao, 68 triệu đồng/lượng, vợ chồng tôi háo hức bàn tính sử dụng thế nào cho hợp lý.
Lúc đó, tổng lương của hai đứa khoảng 25 triệu đồng một tháng, tiền tiết kiệm có tầm 50 triệu đồng. Chúng tôi nghĩ đến việc vay thêm mua trả góp một căn chung cư ra hồn để thoát cảnh ở thuê, chuẩn bị tiền cho việc sinh con đẻ cái và mua một chiếc ô tô để nâng cao mức sống. Một số người quen khuyên mua ô tô để hưởng thụ trước, chừng đó tiền còn lâu mới mua được nhà, chờ mua nhà xong mới mua xe thì già mất, sống khổ mãi không nên.
Tôi nghe cũng thấy hợp lý. Hai đứa cũng phải tính sinh con sớm vì đã sắp đến tuổi 30, khi có con thì không thể cứ đầu trần phơi nắng, đội mưa ngoài đường mãi được. Bên cạnh đó, tôi và vợ đều là người tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, quê không quá xa nên cần về thường xuyên, mỗi lần về quê mà không có xe sẽ rất bất tiện.
Vợ cũng khuyến khích tôi mua ô tô sớm vì chỗ làm của cô ấy xa, có ô tô sẽ tăng tiện ích. Cô ấy bảo, tiền làm ra suy cho cùng cũng là để phục vụ cuộc sống của mình tốt hơn mà thôi.
Thuận vợ thuận chồng, chúng tôi bán hết 10 lượng vàng để mua một chiếc xe giá 500 triệu đồng, phần còn lại gửi tiết kiệm để làm quỹ dự phòng. Theo tính toán, tôi dành khoảng 3 triệu đồng để nuôi xe hàng tháng, gồm tiền gửi xe, tiền xăng và các chi phí bảo dưỡng khác.
Có xe hơi rồi, hai vợ chồng thật sự cảm thấy rất đáng giá, ngày nào tôi cũng chở vợ đi làm và đón về. Một năm sau, vợ có bầu rồi sinh nở, tôi càng thấy chiếc xe thật hữu dụng. Từ việc đi làm đến đưa con đi khám, đi chơi, chở vợ con đi gửi nhà ngoại một vài tuần… đều quá tiện, có thể bất chấp nắng mưa và đống đồ đạc lỉnh kỉnh.
Đến năm ngoái, sau thời gian nghỉ thai sản, vợ tôi đi làm trở lại, chuyển sang một công ty khá gần nhà, vừa khớp với tuyến đường sắt trên cao nên cô ấy tự đi. Không cần đưa đón vợ nữa, tôi chọn đi làm bằng xe máy để tránh stress vì tắc đường. Chúng tôi cũng không thể về quê thường xuyên như trước nên chiếc ô tô ít được dùng hơn hẳn. Những lần cả nhà đi trung tâm thương mại hay ra ngoài đổi gió, tôi thường gọi taxi công nghệ để thoải mái chơi mà không phải lòng vòng đỗ xe.
Chiếc ô tô cứ vậy mà “nằm mốc” ở bãi, mỗi tháng vẫn ngốn của tôi hơn 1 triệu đồng tiền gửi.
Nhưng mà tôi không hối hận về quyết định mua ô tô của mình nếu như giá vàng không lao vun vút suốt từ cuối năm ngoái đến nay. Nếu giữ số vàng cưới đến tận bây giờ, nếu bán đi tôi đã có hơn 1,1 tỷ đồng. Trong khi đó, chiếc ô tô sau khi ngốn tiền “nuôi dưỡng” của tôi nếu giờ bán đi thì chỉ thu được khoảng 350 triệu đồng, số tiền không đáng là bao so với thời giá, chẳng đủ làm việc gì to tát. Càng nghĩ, tôi càng tiếc đến đứt từng khúc ruột.
Vợ tôi thì như xát muối vào lòng chồng khi tặc lưỡi: “Biết thế xưa mình chịu khổ tí thì giờ đã có tiền tỷ rồi không, nếu tiết kiệm tiền lương sau khi chi tiêu thì đến bao giờ mới có chừng đó chứ! “.
Giờ mới thấm thía lời các anh chị cao tuổi trong công ty rằng vàng là tài sản đầu tư, ô tô là tiêu sản. Ở tuổi 30, tôi chưa có món tài sản nào giá trị ngoài chiếc ô tô đang mất giá từng ngày.