Thứ ám ảnh cả tuổi thơ tôi là những trận đòn roi, sự khúm núm khi ở trong căn nhà cao cửa rộng của ông bà ngoại.

Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi theo mẹ về sống với ông bà ngoại. Ngôi nhà ấy chưa bao giờ thực sự là nhà của tôi. Ông bà ngoại khó tính, hay cằn nhằn và dường như chẳng bao giờ ưa mẹ con tôi. Mẹ phải chịu đựng những lời chì chiết mỗi ngày, còn tôi thì luôn phải sống trong tâm thế “ở nhờ”, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, sợ làm gì sai để không bị mắng.
Tôi nhớ những bữa cơm im lặng, tiếng đũa gõ vào bát nghe như tiếng trách móc. Tôi nhớ những lần mẹ tôi cắn răng chịu đựng khi bà ngoại bảo:
“Đàn bà con gái đã đi lấy chồng, tưởng xong rồi mà vẫn còn nặng nợ”.
Mẹ tôi không phản ứng, chỉ cúi đầu, nhưng tôi biết, mỗi lời ấy đều khiến trái tim mẹ rỉ máu.
Bố mẹ tôi ly hôn văn mình, chỉ là có quá nhiều thứ trong cuộc sống khiến họ không vượt qua được, tình yêu của họ gục ngã trước quá nhiều thứ nặng nề hơn. Chính vì vậy, dù không ở với nhau thì tôi vẫn được bố quan tâm rất nhiều.
Năm tôi học lớp 11, bố tôi bất ngờ đến trường đón tôi đi mua quần áo mới. Ỏ cái tuổi ấy cứ thấy được đi mua quần áo mới là nhất rồi, nên tôi vui lắm. Chúng tôi đi siêu thị, bố mua cho tôi vài bộ đồ, rồi dắt tôi vào quán ăn trưa.
Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Mấy bà hàng xóm nhìn thấy tôi ngồi ăn với một người đàn ông lớn tuổi, liền đồn thổi rằng tôi “cặp kè với đại gia”, rồi lan đến tai ông bà ngoại. Đến giờ lớn rồi tôi mới thấy những người đàn bà đó ác độc đến mức nào khi đổ cho 1 con bé mới 16 – 17 tuổi cái tội mà nó không hề làm.

Tôi còn chưa kịp giải thích, ông ngoại đã túm tóc tôi, quát mắng thậm tệ:
“Mới 3 cái tuổi danh mà bắt đầu học cái thói mất dạy ở đâu mang về nhà tao”
Bà ngoại cầm roi đánh tôi túi bụi, mặc cho tôi khóc lóc van xin:
“Đấy là bố cháu! Bố cháu mà!”
Nhưng họ không nghe. Hoặc có nghe, nhưng chẳng ai muốn thừa nhận mình đã sai. Thậm chí về sau họ biết đúng là tôi đi với bố thật thì tôi cũng chẳng nhận được lời xin lỗi nào.
Khi mẹ tôi về, mẹ ôm tôi vào lòng, giọng run run:
“Sao ông bà lại đối xử với con như thế?”
Mẹ tìm cách liên lạc với bố tôi để xác minh sự việc và minh oan cho con gái. Khi sự thật được làm rõ, ông bà ngoại im lặng. Không một lời xin lỗi, không một chút áy náy. Họ chỉ lạnh lùng bảo:
“Thì tại nó ăn nói không gãy gọn”.
Tôi nằm trên giường, người ê ẩm vì những vết roi, nhưng nỗi đau trong lòng còn lớn hơn gấp bội. Tôi hiểu rằng, dù có là người thân ruột thịt, họ cũng chẳng bao giờ đối xử công bằng với mẹ con tôi.
Đêm hôm đó, tôi nghe tiếng mẹ khóc thút thít trong bóng tối. Sáng hôm sau, mẹ nói với tôi bằng một giọng kiên quyết mà tôi chưa từng nghe thấy:
“Hai mẹ con mình ra ở riêng. Có rau ăn rau có cháo ăn cháo chứ mẹ không để con sống cái cảnh này nữa”.
Mẹ vay mượn tiền, bố tôi biết chuyện cũng hộ trợ 2 mẹ con rất nhiều, chúng tôi thuê một căn phòng nhỏ. Căn phòng ấy chật hẹp, tường ố vàng, nhưng đó là nơi đầu tiên tôi cảm thấy mình thực sự được THỞ. Không còn những ánh mắt soi mói, không còn tiếng chì chiết mỗi ngày. Chỉ có mẹ và tôi, cùng nhau bước qua những ngày tháng khó khăn.
Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy đau khi nhớ về những ngày tháng ấy. Nhưng tôi cũng biết ơn mẹ, người phụ nữ nhỏ bé nhưng dũng cảm, đã dám đứng lên để bảo vệ đứa con gái của mình.
Những ngày tháng sau đó mẹ con tôi cũng có lúc bữa đói bữa no nhưng tôi chẳng nhớ gì về những chuyện vất vả ấy, thứ lưu lại trong kí ức của tôi toàn là những điều tốt đẹp vô cùng. Và thứ ám ảnh cả tuổi thơ tôi là những trận đòn roi, sự khúm núm khi ở trong căn nhà cao cửa rộng của ông bà ngoại.