Tôi học cách yêu làn da của mình – như yêu chính nơi mình sinh ra.
“Sex Education” là một trong những phim truyền hình ăn khách nhất của Netflix. Được đồng nghiệp giới thiệu, tôi đã xem hết bộ phim và thấy quả thật, đây là bộ phim đáng coi. Nội dung phim hài hước, xen lẫn các tình tiết lãng mạn. Thế nhưng, khi đi sâu vào cốt truyện, bạn sẽ nhận ra bộ phim còn mang đến nhiều điều hơn thế nữa. Cốt truyện khá kịch tính, bất ngờ, mở ra tính giáo dục thông qua các vấn đề cần giải quyết về tình yêu, tình cảm bạn bè, tình dục.
Vừa qua, nhờ xem bộ phim, tôi đã thức tỉnh nhiều điều, đặc biệt là việc phải luôn yêu thương, trân trọng chính bản thân. Câu nói của nhân vật Otis Milburn quả thực đã chạm tới trái tim tôi: “Ai cũng có cơ thể mà, phải không? Không việc gì phải xấu hổ cả”.
Mỗi chúng ta đều trải qua cảm giác bất an, không thoải mái, mặc cảm với cơ thể mình. Điều này dường như trầm trọng hơn ở độ tuổi thiếu niên – giai đoạn có nhiều thay đổi về thể chất lẫn tâm lý. Mọi thứ dường như bị phóng đại, nhất là hình ảnh cơ thể.
Yêu thương bản thân là bước đầu tiên mà bạn cần làm để có được một cuộc sống hạnh phúc, thoải mái, lành mạnh. Tôi nhận ra, ai cũng có một cơ thể và cơ thể nào cũng đẹp, đáng được trân trọng. Tôi không cần phải che giấu hay xấu hổ vì bất kỳ lý do nào.

Trước đây tôi từng chán ghét làn da nâu của mình
Tôi sinh ra ở một vùng quê miền Trung, nơi nắng như rót mật xuống ruộng đồng và gió Lào hun đỏ má người. Cũng chính vì thế, từ bé tôi đã có làn da nâu khỏe mạnh – không phải làn da trắng như sứ mà ai cũng khen ngợi.
Lớn lên, vào thành phố học cấp ba, tôi nhanh chóng nhận ra mình “khác biệt”. Trong khi bạn bè tung tăng với váy áo sáng màu, thích selfie dưới ánh nắng, thì tôi luôn nép mình vào góc lớp, mặc áo dài tay dù trời nắng hay mưa. Với nước da sẫm màu hơn mức bình thường, tôi bị bạn bè trêu đùa rằng “da nâu”, “da như mắm ruốc”,…
Mỗi câu đùa vu vơ ấy khiến tôi mặc cảm, xấu hổ. Tôi dần dần không còn cười, không dám nhìn vào gương lâu, và chẳng bao giờ nghĩ mình xứng đáng với ánh nhìn ngưỡng mộ của ai đó. Lớn lên đi làm, tôi cũng bớt tự ti hơn về nước da nâu sẫm. Thi thoảng tôi nghĩ rằng: “Nếu da tôi trắng như sứ, liệu tôi có thành công hơn không, được nhiều chàng trai theo đuổi hơn không”.
Mãi đến khi xem phim “Sex Education”, suy nghĩ tiêu cực trong tôi mới tan biến. Tôi hiểu ra, người ta không còn nhìn vào làn da để đánh giá ai đó, mà họ sẽ yêu mến bởi năng lực, tính cách, cách đối xử.
Da nâu không phải là khuyết điểm. Nó là dấu vết của nắng, của hành trình, của câu chuyện mà tôi đang viết nên mỗi ngày. Giờ tôi đã tự tin váy hoa, cột tóc cao, đứng thẳng lưng và nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Tôi không cố để trắng lên bằng cách phủ nhiều phấn lên mặt. Tôi học cách yêu làn da của mình – như yêu chính nơi mình sinh ra.
Mỗi người sinh ra đều có một nét đẹp riêng. Đừng để tiêu chuẩn của người khác cướp mất giá trị mà bạn đang mang trong mình.