Những loại rau quen thuộc nhưng cần cẩn trọng trước khi đưa lên bàn ăn.
2 loại rau củ có thể tăng nguy cơ bệnh tật
1. Giá đỗ có dấu hiệu ngâm hoá chất
Giá đỗ là một loại thực phẩm quen thuộc với người Việt và khá dễ trồng tuy nhiên, nhiều người vì lợi nhuận nên vẫn sử dụng các loại hoá chất giúp giá đỗ nhanh phát triển cũng như có vẻ ngoài bắt mắt.
Chính vì vậy, khi chọn giá đỗ nên tránh loại có điểm sau:
– Cọng giá đỗ tròn và có màu trắng: Do giá đỗ được làm từ hạt đỗ nên nếu nảy mầm tự nhiên thường sẽ có màu trắng nhẹ hoặc ngả vàng chứ không có màu trắng bóng như khi dùng hoá chất. Cùng với đó, khi sử dụng các hoá chất đẩy nhanh quá trình mọc của giá đỗ như 6-Benzylaminopurine hay Acid Gibberellins, sẽ kích thích phân chia tế bào, giãn tế bào theo chiều dọc… từ đó làm cho cọng giá đỗ mập hơn.
– Rễ ngắn: Giá đỗ sạch và an toàn mất khoảng 3 ngày vào mùa hè và khoảng 5 ngày vào mùa lạnh để sinh trưởng. Chính vì vậy, rễ của giá đỗ trồng tự nhiên sẽ có nhiều rễ và rễ dài. Ngược lại, giá đỗ ngâm hoá chất do sinh trưởng trong khoảng thời gian rất ngắn nên rễ sẽ ít phát triển và sậm màu dưới thân.

– Cọng dài bất thường: Giá đỗ thường có chiều dài khoảng 5 – 6 cm. Tuy nhiên, đối với những loại giá đỗ có cọng dài hơn một cách bất thường, chúng ta phải đặc biệt lưu ý bởi chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có khả năng sinh trưởng vượt trội. Bên cạnh đó theo các nghiên cứu thì giá càng dài, lượng protein và dinh dưỡng càng ít.
– Dai, ít nước: Giá đỗ nảy mầm tự nhiên thường cứng, ăn giòn, nhiều nước. Còn giá đỗ đã bị phun thuốc dù thân dài nhưng lại xốp mềm, chất bên trong rỗng ruột, khi ăn dai và ít nước. Cùng với đó, giá đỗ được ủ tự nhiên sẽ mang theo mùi thơm tự nhiên của đậu. Trong trường hợp giá đỗ được phun chất hoá học sẽ có mùi lạ, hơi hăng và khá khó chịu.
2. Rau củ cắt miếng sẵn không rõ nguồn gốc
Nhiều người thường thích mua các khay rau củ đã được chế biến và cắt sẵn bởi sự tiện lợi tại những cơ sở buôn bán không rõ nguồn gốc, chất lượng. Tuy nhiên, ta khó có có thể xác định, liệu những phần rau củ cắt sẵn này có tươi hay là những loại đã bị thối một phần và cắt bỏ phần hỏng.
Trong quá trình quả hư hỏng, thối rữa, các vitamin tổng hợp có trong rau củ sẽ bị phá hủy, một lượng lớn vi khuẩn, nấm sẽ xâm nhập và sản sinh ra các chất có hại, gây nguy hiểm cho gan, thận và thậm chí là. sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Ngay cả khi loại bỏ phần thối rữa, phần tưởng như còn nguyên vẹn có thể đã thấm vào nhiều chất độc, nhìn từ bên ngoài khó phát hiện.

Điều đặc biệt đáng chú ý là những vi khuẩn và nấm xâm nhập này có thể chứa aflatoxin – một chất nguy hiểm đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại là chất gây ung thư Loại 1 từ năm 1993. Ngoài tình trạng nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan C mãn tính, aflatoxin cũng được coi là một trong những yếu tố gây ung thư gan.
Không chỉ vậy, chúng ta cũng không thể đảm bảo trong quá trình cắt gọt, người bán có đảm bảo vệ sinh trong chế biến như đeo găng tay hay sử dụng dao sạch, bảo quản đúng cách tránh vi khuẩn có hại cho sức khoẻ hay không. Cùng với đó, các loại rau củ và cả trái cây khi tiếp xúc với không khí có thể tạo điều kiện có lợi cho vi khuẩn phát triển, giảm dưỡng chất có bên trong.
3 loại rau không nên để lâu trong tủ
1. Rau bina
Rau bina (rau chân vịt) là một loại rau giàu chất dinh dưỡng và có khả năng tăng cường chất đề kháng hiệu quả với lượng sắt cùng chất xơ dồi dào. Tuy nhiên, nếu để rau bina trong tủ lạnh thời gian dài, dù không có dấu hiệu hỏng thì chúng cũng sẽ sản sinh một loại hoá chất với tên gọi nitrit.
Nitrit sau khi chuyển hoá và tích tụ lâu dài sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư ruột. Ngoài ra, còn có dữ liệu cho thấy nếu bạn ăn rau bina hết hạn sử dụng hơn hai lần một tuần, nguy cơ ung thư của bạn sẽ tăng khoảng 15%.
2. Khoai tây
Khoai tây là một trong những loại củ cung cấp lượng tinh bổ phong phú. Tuy nhiên, nếu khoai tây đã để trong tủ lạnh trong một thời gian dài, đặc biệt là khi vỏ chuyển sang màu xanh hoặc nảy mầm, thì bạn không nên ăn chúng.
Những chấm xanh và mầm này chứa một loại độc tố gọi là solanine, ăn quá nhiều có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể con người, đặc biệt là ruột kết và gan. Đồng thời, khi mầm khoai tây bắt đầu hình thành, chất độc đã xâm nhập vào tế bào khoai tây và không có cách nào để loại bỏ nó.

Đặc biệt, khoai tây sau khi luộc chín lại tiếp tục trải qua quá trình làm lạnh sẽ khiến khoai tây gia tăng nồng độ một chất có hại gọi là acrylamide. Đây là một hoá chất dùng trong nhiều ngành công nghiệp và có khả năng gây ung thư ở người, đồng thời làm tổn thương hệ thần kinh nếu tiếp xúc với liều lượng lớn.
Chính vì vậy, tốt nhất nên bảo quản khoai tây – dù đã luộc hay chưa chế biến – ở nơi khô ráo trong nhiệt độ phòng sẽ giảm thiểu nguy cơ hình thành acrylamide, việc ăn uống trở nên an toàn hơn và lành mạnh hơn.
3. Rau củ quả đã qua chế biến
Một số loại rau xanh có chứa hàm lượng nitrat cao. Tuy nhiên, nếu để quá lâu sau khi nấu chín, đặc biệt là khi đun nóng lại có thể khiến nitrat trong rau sẽ chuyển hóa thành nitrit dưới tác động của vi khuẩn, có thể gây hại cho sức khoẻ.
Cùng với đó, chất lượng và độ an toàn của các loại rau xanh đã nấu để qua đêm phụ thuộc vào một số yếu tố khác như thời gian bảo quản, nhiệt độ, độ tươi của thực phẩm, cách làm nóng và làm nguội trước khi cho vào tủ… Chính vì vậy, khi nấu rau xanh, chỉ nên nấu lượng vừa đủ cho một bữa, tránh nấu lại.

Cùng với đó, các món rau củ quả đã chế biến như nộm, salad… là một trong số những món ăn đặc biệt không nên để qua đêm bởi chúng chưa được làm nóng ở nhiệt độ cao, bên trong vẫn có thể ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn. Khi bảo quản trong tủ lạnh, những vi khuẩn này có thể tiếp tục được sinh sôi ở nhiệt độ thấp. Từ đó sẽ kích thích đường ruột, gây ra các bệnh về đường tiêu hoá.
Nếu bảo quản chưa đúng cách có thể chứa những vi khuẩn như Enterobacteriaceae, Salmonella… Những vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nôn mửa, sốt và các triệu chứng khác. Việc hấp thụ quá nhiều những vi khuẩn này có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ cũng như tổn hại hệ tiêu hoá, miễn dịch.