Thành phố Campuchia “dưới bóng” Trung Quốc: Vĩ đại trở lại nhờ sòng bạc?


“Năm nay tôi trở lại và nơi đây hoàn toàn giống một thành phố ở Trung Quốc. Có rất nhiều người Trung Quốc”, Xiaofan – một du khách Trung Quốc – cho biết.

Từng là nơi tập trung các làng chài với nhịp sống buồn tẻ, nhưng các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc đã biến thành phố Sihanoukville ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia thành một khu nghỉ dưỡng kết hợp sòng bạc đang xây dựng dở dang với các biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc ở khắp mọi nơi.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 16/4 đưa tin, Trung Quốc là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất tại Campuchia, phần lớn hướng đến thành phố cảng Sihanoukville ở Vịnh Thái Lan – một vị trí chiến lược quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng – người có chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia vào ngày 17/4.

“Sihanoukville thay đổi theo từng năm”, Xiaofan – một du khách Trung Quốc đến thăm bạn bè khởi nghiệp tại Sihanoukville – cho biết.

“Năm nay tôi trở lại và nơi đây hoàn toàn giống một thành phố ở Trung Quốc. Có rất nhiều người Trung Quốc”, Xiaofan nói.

“Làm Sihanoukville vĩ đại trở lại”

Theo chính quyền tỉnh Preah Sihanouk, khu vực này tự hào có GDP bình quân đầu người là 4.000 USD, gấp đôi mức trung bình cả nước Campuchia, chủ yếu nhờ vào một trung tâm sản xuất do Trung Quốc điều hành.

Đặc khu Kinh tế Sihanoukville là biểu tượng của mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc, Phó thống đốc tỉnh Preah Sihanouk Long Dimanche cho biết với sự lạc quan về viễn cảnh địa phương của ông sẽ trở thành một thành phố cờ bạc bùng nổ.

“Hãy nhìn Macau [Trung Quốc], nhìn Las Vegas [Mỹ]”, ông nói với AFP.

Phó thống đốc Long Dimanche cho biết Sihanoukville chào đón đầu tư từ bất kỳ ai, theo nguyên tắc ai đến trước được phục vụ trước.

“Campuchia là một quốc gia nhỏ. Chúng tôi không có sự lựa chọn”, ông nói.

Tại Sihanoukville, những chiếc cần cẩu từ các công ty xây dựng Trung Quốc đang khẩn trương xây dựng một khu nghỉ dưỡng mua sắm sang trọng ven biển có tên gọi “Peninsula Bay”.

Một đại diện dự án mô tả nhà phát triển là một công ty “Trung Quốc – Campuchia” và cho biết công ty này được thành lập để “làm Sihanoukville vĩ đại trở lại”.

Tuy nhiên, theo AFP, các dự án đầu tư của Trung Quốc trên khắp thế giới đã có những kết quả trái chiều, một số chứng tỏ là những khoản đầu tư không hiệu quả và một số khác lại khiến nước chủ nhà phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ.

Ou Virak – chủ tịch tổ chức nghiên cứu Future Forum (Campuchia) – tin rằng thành phố cảng Sihanoukville đang trở thành “thành phố ma” đầy những tòa nhà bỏ hoang.

“Sihanoukville là triệu chứng của vấn đề bất động sản rộng lớn hơn ở Trung Quốc. Họ chỉ xuất khẩu điều đó cho chúng tôi”, ông cáo buộc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hơn 1/3 trong số 11 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia là nợ Trung Quốc.

AFP đưa tin, một tuyến đường cao tốc trị giá 2 tỷ USD nối Sihanoukville với thủ đô Phnom Penh đã được xây dựng bằng vốn của Trung Quốc và đi vào hoạt động từ năm 2022, nhưng với mức phí cầu đường tối thiểu là 15 USD, tuyến đường hai chiều này thường rất vắng vẻ.

Một sân bay do Trung Quốc tài trợ ở Siem Reap gần di sản Angkor Wat, khánh thành vào năm 2023, được thiết kế để đón 7 triệu du khách/năm, còn nhiều hơn 1 triệu lượt khách so với tổng số du khách tới Campuchia trong cả năm đó.

Một kênh đào dài 180 km nối Sông Mekong với Vịnh Thái Lan vẫn đang chờ vốn từ một công ty do Trung Quốc sở hữu gần một năm sau khi khởi công.

“Một số dự án quá lớn, quá nhanh và không có nhu cầu thực sự đối với chúng “, Ou Virak nói, gọi một vài trong số những dự án đó là tài sản bị mắc kẹt. Nhưng “về mặt kinh tế, bạn không thể từ chối Trung Quốc”.

“Phụ thuộc nhiều” vào vốn của Trung Quốc

Theo AFP, Washington từng cáo buộc rằng Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia – ban đầu do Mỹ xây dựng và vừa được Trung Quốc nâng cấp – có thể được Bắc Kinh tận dụng để tiếp cận Biển Đông.

Các khoản đầu tư chiến lược của Bắc Kinh “làm nổi bật lợi ích lâu dài của Trung Quốc trong việc đảm bảo ảnh hưởng” trong khu vực, phó giáo sư Sophal Ear tại Đại học bang Arizona (Mỹ) cho biết.

Nhưng ông cũng nói rằng, với nền kinh tế Campuchia “phụ thuộc nhiều” vào vốn của Trung Quốc, những lo ngại về khả năng duy trì nợ, sự phụ thuộc quá mức vào kinh tế và nhiều rủi ro khác vẫn tồn tại.

Nhưng người bán thịt xiên Wang Guohua không có những lo lắng như vậy.

Người đàn ông 58 tuổi này chuyển từ tỉnh Hồ Nam ở miền nam Trung Quốc đến Sihanoukville cùng vợ cách đây 5 năm và hiện đang bán đồ nướng ven đường mỗi đêm cho những du khách Trung Quốc đói bụng.

“Chúng tôi chắc chắn hy vọng rằng mối quan hệ [Trung Quốc-Campuchia] sẽ trở nên bền chặt hơn nữa”, ông nói. “Đối với chúng tôi, đó sẽ là điều tốt.”

(Theo AFP)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *