Tâm sự của Nancy Phạm – nữ sinh cấp 3 “một năm không ngủ trưa” vì Thằng Cười


“Ngày còn bé em rất hâm mộ chú Trấn Thành. Em rất thích nét diễn của Trấn Thành ngày xưa nhưng từ khi chú bắt đầu làm phim thì em lại không thích dòng phim đấy”, Nancy Phạm nói.

Từ những buổi tập xuyên trưa đến những đêm trắng chỉnh nhạc, “Thằng Cười” – vở nhạc kịch của Trường Phổ thông Liên cấp Olympia – đã mang đến một trải nghiệm nghệ thuật đầy cảm xúc cho cả người làm và người xem.

Dưới sự dẫn dắt của nữ đạo diễn trẻ tuổi Nancy Phạm, học sinh Olympia đã khiến khán giả tại Nhà hát Âu Cơ ngạc nhiên bởi sự chuyên nghiệp và tâm huyết. Vở diễn đã trải qua hai đêm công diễn thành công và hiện tại, cả ê-kíp đang tất bật chuẩn bị cho đêm diễn thứ ba.

Trong cuộc trò chuyện dưới đây, Nancy chia sẻ về hành trình dựng vở, những thử thách phía sau sân khấu và niềm đam mê nghệ thuật luôn âm ỉ trong cô gái trẻ này.

Không ngủ trưa để tập “Thằng Cười”

– Nancy cái tên rất ấn tượng, đây có phải là nghệ danh của em không?

Em tên là Nancy Phạm – đấy cũng là tên thật luôn ạ. Bố mẹ em thích cái tên này dù không phải người lai.

– Em đến với vai trò đạo diễn trong nhạc kịch “Thằng Cười” như thế nào?

Năm nay, dự án nhạc kịch ở trường em được mở rộng thành Câu lạc bộ nên bọn em không được phân công trực tiếp mà phải trải qua casting. Mọi người nộp đơn ứng tuyển, viết thử một đoạn kịch bản ngắn, sau đó phỏng vấn và trình bày với các thày cô. Từ đó, các thày cô mới chọn ra người phù hợp nhất để đảm nhận các vai trò. Em được chọn ở vai trò đạo diễn.

– Hình như em còn tham gia cả vào khâu kịch bản đúng không?

Dạ vâng. Vì nếu ai đã đọc nguyên tác sẽ thấy bọn em chỉnh sửa rất nhiều – từ nội dung cho đến các tình tiết như David là người bắt cóc chẳng hạn, điều đó không có trong truyện gốc. Bọn em dịch lại lời các bài hát, viết lại thoại cho gần gũi hơn với khán giả hiện đại. Dù sao thì bản gốc cũng đã khá lâu đời rồi mà.

– Được biết vở “Thằng Cười” sử dụng hoàn toàn tiếng Anh. Làm đạo diễn đã không đơn giản, em còn tham gia viết kịch bản sử dụng ngôn ngữ không phải mẹ đẻ. Làm thế nào em xoay xở hết mọi thứ như vậy?

Đầu tiên, bọn em vẫn phải đọc tác phẩm gốc của Victor Hugo – một tác phẩm rất đồ sộ và xuất sắc. Nhưng khó ở chỗ, vở này không có bản nhạc kịch tiếng Anh nào cả, chỉ có một bản dựng bên Hàn. Thế là em phải tìm các bản phim cũ từ những năm 90 để xem, rồi cổ vũ các bạn diễn viên cùng đọc sách, xem phim để hiểu sâu hơn về nhân vật.

Ngoài ra, em và các bạn một năm không ngủ trưa vì dành hết cho tập hát, tập diễn. Với mỗi diễn viên, em cố gắng điều chỉnh hướng dẫn sao cho phù hợp nhất. Có bạn thì em phải trực tiếp diễn mẫu để bạn hình dung được nhân vật cần biểu cảm như thế nào.

– Vậy còn phần âm nhạc – phối khí, phối âm thì sao?

Phần này thực sự là một thử thách lớn. Chúng em phụ trách phần lời, còn nhạc thì có sự giúp sức của cô Lan Phương – cô giáo âm nhạc rất kỳ cựu của trường, và anh Lương – giám đốc âm nhạc của bọn em. Hai người gần như viết lại toàn bộ phần nhạc, phối khí, chỉnh sửa từng đoạn một. Có đêm, mọi người thức đến 1-2h sáng để kịp làm nhạc cho buổi tập hôm sau.

– Vở kịch “Thằng Cười” của các em đã được đón nhận thế nào?

Em mời bạn bè của em đi xem khá nhiều. Em bảo “chúng mày ơi đến xem đi nói thật vở này không xem phí lắm” nhưng em chỉ mời thế thôi ai đến xem thì xem (cười).

Nhưng sau đêm diễn, có bác phụ huynh nhắn cho em và mẹ em rằng, dù bác không đi xem nhưng bạn của bác khen “vở kịch hay quá”. Và đấy là một điều rất hạnh phúc với em khi mà đứa con tinh thần của mình được mọi người đón nhận.

Các cô trong Ban giám hiệu cũng rất yêu thích và còn gợi ý tụi em nên diễn thêm suất thứ ba vì “vở này hay quá mà dừng ở đây thì tiếc quá”. Hiện, chúng em cũng đang tích cực chuẩn bị cho đêm công diễn lần 3.

– Vì sao các em lại chọn thể loại nhạc kịch mà không phải là thể loại kịch khác?

Thật ra, đây là một truyền thống ở Olympia rồi ạ. Nhạc kịch tuy chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng ở trường em thì đã có từ lâu. Theo em nghĩ nhạc kịch rất hay, mang rất nhiều màu sắc, hấp dẫn không bị nhàm chán.

– Nhưng em nghĩ nhạc kịch ở Việt Nam có thể phổ biến hơn trong tương lai không?

Em nghĩ là có. Em nghĩ trong 5-10 năm tới, nhạc kịch sẽ dần có chỗ đứng vững chắc hơn. Không chỉ là biểu diễn đâu mà còn là một phương tiện giáo dục – truyền đạt cảm xúc và kiến thức rất hiệu quả.

– Có kỷ niệm nào đáng nhớ trong vai trò đạo diễn không?

Phần viết kịch bản là một phần khá là thử thách. Bọn em phải nghĩ cách chuyển thể nội dung lên sân khấu mà vẫn mạch lạc. Như cảnh viết thư giữa Gwynplaine và Dea, tụi em chia đôi sân khấu, dùng ánh sáng để minh họa hai không gian khác nhau. Cũng phải cãi nhau khá nhiều để đưa ra được phương án tối ưu.

Thêm nữa, viết thoại bằng tiếng Anh mà lại là tiếng Anh cổ thì cũng rất mất thời gian – vừa tra từ, vừa giữ đúng tinh thần nhân vật. Có những lúc tổng duyệt sát ngày diễn rồi mà vẫn còn lo, diễn viên chưa nhập vai lắm. May mà cuối cùng mọi thứ đâu vào đấy.

Em sợ nếu lấy nghệ thuật làm nghề chính, em sẽ mất đi đam mê

– Ngoài nhạc kịch thì em yêu thích loại hình nghệ thuật nào nữa?

Em vẫn yêu văn học nhất. Sau đó là đến sân khấu. Em còn nhớ lần đầu tiên xem nhạc kịch là vở The Lion, The Witch and the Wardrobe. Lúc ấy nhỏ xíu thôi, nhưng em đã bị mê luôn từ đó.

– Đam mê nghệ thuật đến với em từ bao giờ vậy?

Thật ra là từ bé rồi ạ. Em rất thích nghe nhạc, xem phim và nói chung là yêu nghệ thuật từ lâu. Năm lớp 10, bọn em có làm một vở nhạc kịch nhỏ cho dự án liên môn Văn – Âm nhạc về tuồng chèo. Em tham gia ban kịch bản và diễn xuất và cảm giác lúc ấy là: “Ôi, cái này hay quá!”.

Vậy nên năm nay khi có cơ hội tiếp cận một tác phẩm lớn như “Thằng Cười”, em quyết tâm phải làm cho bằng được.

– Trước đây, em đã từng học qua đạo diễn hoặc diễn xuất chưa?

Em có đi một vài workshop về diễn xuất, ngôn ngữ hình thể, nhưng phần lớn là tự học qua việc… xem phim! Em xem rất nhiều, từ sân khấu đến điện ảnh. Bố mẹ còn bảo là “sao học hành không thấy, chỉ thấy cắm mặt vào phim” (cười). Nhưng em nghĩ chính điều đó giúp em hình thành bản năng về diễn xuất, đạo diễn.

Tâm sự của Nancy Phạm - nữ sinh cấp 3 "một năm không ngủ trưa" vì "Thằng Cười" - Ảnh 8.

– Em có dự định theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp không?

Em rất thích nghệ thuật nhưng không chọn học ngành này ở đại học. Em sợ nếu lấy nghệ thuật làm nghề chính, em sẽ mất đi đam mê. Em chọn ngành kinh tế – kinh doanh nhưng hy vọng có thể tiếp tục học hỏi về nghệ thuật từ trải nghiệm thực tế.

– Đam mê nghệ thuật vậy, em có hoài bão gì không?

Có chứ ạ! Em mong một ngày nào đó, khi có đủ năng lực và tài chính, em có thể mang nghệ thuật – đặc biệt là nhạc kịch – đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Em mong muốn có một không gian nghệ thuật kiểu Broadway ở Việt Nam để những người thật sự đam mê có thể tỏa sáng.

– Hiện nay phim Việt có nhiều bộ phim hàng trăm tỷ, em có mơ làm đạo diễn điện ảnh hoặc nhà đầu tư cho lĩnh vực này không?

Ngày còn bé em rất hâm mộ chú Trấn Thành. Em rất thích nét diễn của Trấn Thành ngày xưa nhưng từ khi chú bắt đầu làm phim thì em lại không thích dòng phim đấy.

Em nghĩ nếu có làm nghệ thuật, em sẽ theo hướng theo dòng phim nghệ thuật chứ không làm phim thương mại. Em cũng vừa có chuyến đi học tập ở Huế, ghé Nhà hát Ca múa kịch Huế và cảm thấy các nghệ sĩ ở đó quá tài năng. Em muốn sau này có thể đầu tư hoặc hỗ trợ đưa các nghệ thuật truyền thống như thế đến gần công chúng hơn là chỉ sản xuất phim để kiếm tiền.

“Thằng Cười” (nguyên tác The Man Who Laughs của Victor Hugo) là câu chuyện về Gwynplaine, một chàng trai có nụ cười vĩnh viễn do bị biến dạng khuôn mặt từ bé. Anh lưu lạc cùng bé gái mù Dea và người bảo hộ Ursus, sống bằng nghề biểu diễn rong.

Dù mang gương mặt khiến người ta cười, Gwynplaine lại mang trái tim nhân hậu và khao khát được sống thật với cảm xúc của mình. Câu chuyện đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất con người, lòng trắc ẩn và những phán xét dựa trên bề ngoài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *