Siêu dự án Việt-Trung 8,4 tỷ USD: “Chắp cánh” nhờ tuyến Trung-Lào, hàng Việt rộng cửa thẳng tiến trời Âu


Với việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Việt Nam có thể tiếp cận hệ thống đường sắt liên Á hiệu quả hơn thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào hiện có.

Hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc

Vào ngày 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, trị giá 203.231 tỷ đồng (gần 8,4 tỷ USD). Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ kết nối các tỉnh phía bắc Việt Nam với phía tây nam Trung Quốc.

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn trả lời câu hỏi về dự án này cho biết, kể từ năm ngoái, Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần trao đổi quan điểm về việc thúc đẩy kết nối đường sắt giữa hai nước, nhất trí đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm nối Hà Khẩu của Trung Quốc với Lào Cai của Việt Nam.

Theo trang Baijiahao (Trung Quốc), đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Việt Nam hợp tác xây dựng đường sắt. Ngay từ đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, tuyến đường sắt nối liền Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã được xây dựng. Việc mở tuyến đường sắt vào thời điểm đó đã thúc đẩy hiệu quả giao thương và trao đổi văn hóa giữa hai nước và trở thành tuyến giao thông quan trọng.

Cuối năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức khai trương tuyến tàu hàng từ Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) sang Yên Viên (Hà Nội) với hành trình gần 20 giờ trên đường sắt khổ hẹp 1.000 mm. Động thái này đã tăng cường đáng kể vị thế chiến lược của vận tải đường sắt trong việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương. Với việc triển khai mô hình vận hành tàu hàng, hiệu quả vận tải hàng hóa xuyên biên giới đã được cải thiện đáng kể, thể hiện đầy đủ giá trị quan trọng của đường sắt trong lĩnh vực logistics quốc tế.

Hàng hóa không cần chuyển tàu, thời gian vận chuyển rút ngắn hơn 7 ngày

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tuyến đường sắt chính Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài khoảng 390,9 km, tốc độ thiết kế 160 km/giờ. Ba tuyến nhánh dài khoảng 27,9 km, đi qua 7 tỉnh, 2 thành phố của Việt Nam, bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, chiếm khoảng 20% dân số, 25,4% GRDP và 25% khu công nghiệp trên cả nước.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang này là 397 triệu tấn hàng hóa và 334 triệu hành khách. Để tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics, đường sắt cần đảm nhận khoảng 25,6 triệu tấn hàng hóa, 18,6 triệu hành khách.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng dự án trị giá 8,4 tỷ USD này sẽ thúc đẩy kết nối và thương mại giữa hai nước cũng như khu vực.

Hứa Lợi Bình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc – nói với trang tin Chao News (Trung Quốc) rằng điều này có nghĩa là hệ thống đường sắt liên Á đang dần trở thành hiện thực.

Nhà nghiên cứu Trịnh Vũ Long tại Viện Nghiên cứu Địa Trung Hải và giảng viên Khoa Chủ nghĩa Mác thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang (Trung Quốc) chia sẻ với Chao News rằng: “Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường sắt xuyên biên giới chuyên dụng kết nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với các cửa khẩu phía bắc Việt Nam. Chức năng chính của tuyến đường sắt này là vận chuyển hàng hóa + kết nối khu vực.”

“Một mặt, hàng hóa không bị ‘ném lung tung’. Trước đây, đường sắt Trung Quốc – Việt Nam có khổ đường ray khác nhau, rất phiền phức khi phải đổi tàu qua biên giới; bây giờ chúng được kết nối trực tiếp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ước tính khối lượng hàng hóa sẽ đạt gần 400 triệu tấn vào năm 2050 và thời gian vận chuyển sẽ được rút ngắn hơn 7 ngày”, nhà nghiên cứu này giải thích.

“Một lợi ích khác là thúc đẩy kinh tế của miền Bắc Việt Nam. Đường sắt có thể thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp và cảng dọc theo tuyến đường, và hàng hóa của tỉnh Vân Nam [Trung Quốc] cũng có thể đi thẳng đến Đông Nam Á. Tuyến đường sắt này là động lực to lớn cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện tại, có rất nhiều người Trung Quốc đang kinh doanh tại tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam và sẽ còn nhiều hơn nữa sau khi tuyến đường sắt được mở”, ông Trịnh nhận định.

Tại sao chọn kết nối với tỉnh Vân Nam?

Theo trang Baijiahao, tỉnh Vân Nam nằm ở biên giới phía tây nam của Trung Quốc, giáp với Việt Nam, Myanmar và Lào. Việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng kết nối với Vân Nam có lợi thế về địa lý sẽ tạo ra cơ sở thực tế cho việc xây dựng mạng lưới giao thông khu vực, biến Vân Nam thành trung tâm hợp tác vận tải đường bộ quan trọng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Với việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Việt Nam có thể tiếp cận hệ thống đường sắt liên Á hiệu quả hơn thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào hiện có. Dự án hạ tầng quan trọng trị giá 203.231 tỷ đồng này không chỉ thúc đẩy kết nối giữa Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á, mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế và thương mại khu vực, thúc đẩy phát triển sâu rộng hội nhập kinh tế khu vực.

Tỉnh Vân Nam là một trung tâm quan trọng để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Lào và có thể mở rộng sang Thái Lan, Malaysia và các nước khác. Việc thiết lập tuyến đường vận chuyển này sẽ hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Sau khi tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào được khai trương tại Lào, GDP của Lào tăng 6,5% nhờ tuyến đường sắt này”, nhà nghiên cứu Trịnh Vũ Long phân tích, như một ví dụ cho thấy lợi ích khi Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt mới.

Đồng thời, với sự kết nối đường sắt Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào hệ thống kinh tế của khu vực phía tây Trung Quốc.

Chuyên gia Hứa Lợi Bình đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “Khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại Trung Quốc – Việt Nam và tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Ngoài ra, bằng cách kết nối đường sắt [Việt Nam] với hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc và mạng lưới đường sắt Á – Âu, hàng hóa Việt Nam có thể được vận chuyển đến châu Âu thông qua Trung Quốc nhanh hơn và rẻ hơn, thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam.”

Các chuyên gia nhận định, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt này không chỉ thúc đẩy việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực mà còn thúc đẩy sự bổ sung và hợp tác giữa các ngành công nghiệp của hai nước, nâng cao đáng kể vị thế chiến lược của Việt Nam trong hợp tác kinh tế khu vực.

(Theo Baijiahao)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *