Theo đó, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ sáp nhập lại, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh. Đây vốn là 2 tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp khi được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp miền Bắc”, là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong đó, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ sáp nhập lại, lấy tên là tỉnh
Bắc Ninh
, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Ngay sau đó, ngày 18/4 Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính hai tỉnh Bắc Giang – Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị để thảo luận phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất hai tỉnh, và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo dự thảo được trình bày tại hội nghị, về tính cần thiết, hai tỉnh có cùng nguồn gốc lịch sử hình thành; văn hóa, phong tục tập quán, quy mô nền kinh tế và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội có sự tương đồng.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 4.718,6 km², đạt 94,3% so với tiêu chuẩn. Quy mô dân số trên 3,6 triệu người, đạt gần 259% so với tiêu chuẩn, và có 99 đơn vị hành chính cấp xã. Tính chung 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay, tỉnh mới thu hút FDI lũy kế hơn 44,5 tỷ USD và đóng góp ngân sách năm 2024 lên tới
53.869 tỷ đồng.
Dự kiến, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ hình thành “siêu thủ phủ công nghiệp” của miền Bắc.
Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất, nhưng quy mô kinh tế của
Bắc Ninh
hiện đứng thứ 9 cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt 232,8 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,03% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng, tăng 14,8%.
Tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó 12 khu đã đi vào hoạt động. Nhiều năm liền, Bắc Ninh là tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước.
Bắc Ninh thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, và là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, Nokia, Amkor…
Tỉnh này cũng nhiều năm liền đứng đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lũy kế đến hết tháng 1/2025, Bắc Ninh đã thu hút tổng số vốn FDI lên tới 31 tỷ USD.
Đối với nông nghiệp, do tổng diện tích canh tác không lớn, chỉ hơn 31 nghìn ha nên tỉnh Bắc Ninh hướng trọng tâm vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Trong khi đó, năm 2024 và quý I/2025,
Bắc Giang
là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước (trên 13%).
Quy mô nền kinh tế GRDP không ngừng mở rộng, đạt 207 nghìn tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 12 toàn quốc. Tổng vốn đầu tư thu hút đạt trên 2,23 tỷ USD, đứng thứ 11 cả nước.
Đến nay, Bắc Giang có 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 3.683,94 ha; cùng 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.329 ha.
Lũy kế đến hết tháng 1/2025, Bắc Giang đã thu hút tổng số vốn FDI lên tới 13,5 tỷ USD.
Các khu công nghiệp chủ yếu tập trung ở thị xã Việt Yên, các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang… được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A (Hà Nội – Lạng Sơn), gần các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và cảng biển.
Với diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha. Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản.
Đây vốn là 2 tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp khi được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp miền Bắc”, là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Với việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến sẽ hình thành “thủ phủ công nghiệp” của phía Bắc với những khu công nghiệp (KCN) mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.
Mới đây, Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào chiều 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết tỉnh Bắc Ninh (mới) sau sáp nhập sẽ có vai trò và vị thế rất lớn, với quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.
Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh mới, cơ hội mới, có những dư địa phát triển mới… tỉnh Bắc Ninh mới phải chủ động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục bứt phá, phát triển, vươn lên, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân… Tất cả phải được thể hiện rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh với phướng hướng, mục tiêu, đường đi, nước bước cụ thể, rõ ràng.