Theo Business Insider, đòn tác chiến phối hợp giữa UAV và pháo binh của Nga đã khắc chế chiến thuật “bắn rồi chạy” của Ukraine.
Báo Mỹ dẫn công bố của Trung tâm Phân tích Lịch sử và Nghiên cứu Xung đột (CHACR), có trụ sở tại Anh, cho biết pháo binh Nga đã thay đổi đáng kể, không còn dựa vào ưu thế số lượng để đánh bại mục tiêu mà đã trở thành lực lượng tinh gọn và chính xác hơn.
“Kinh nghiệm từ hơn 3 năm chiến sự đã giúp Nga cải cách học thuyết quân sự, trong đó hoạt động phản pháo nhanh nhẹn và tinh vi hơn nhiều, làm giảm đáng kể hiệu quả tác chiến của pháo binh Ukraine.
Những thay đổi này đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng với lực lượng NATO nếu hai bên xảy ra xung đột trong tương lai”, Sam Cranny-Evans, chuyên gia của CHACR, cho biết.
Pháo binh Nga suốt nhiều năm vẫn áp dụng học thuyết kế thừa từ Liên Xô, trong đó huy động lượng lớn hỏa lực pháo binh để chế áp đối phương, với các tiểu đoàn lựu pháo và pháo phản lực chuyên biệt cho nhiệm vụ này.
Chuyên gia Cranny-Evans giải thích: “Phương Tây gọi chiến thuật đó là phản pháo chủ động, nhằm mục tiêu gây áp lực liên tục lên pháo binh đối phương. Ưu thế hỏa lực là yếu tố cần thiết để bảo đảm chiến thuật thành công”.
Chiến thuật này phát huy tác dụng khi đối mặt với đối phương tập trung nhiều lực lượng ở một khu vực địa lý nhất định.
“Cách tiếp cận ban đầu của Nga tương đối hiệu quả khi Ukraine tập trung các khẩu đội pháo và sở chỉ huy trong một khu vực. Pháo binh càng phát huy tối đa uy lực nếu mục tiêu tập trung trên đồng bằng rộng lớn như chiến trường Ukraine”, đánh giá của CHACR cho biết.
Pháo binh Ukraine sau đó áp dụng chiến thuật phân tán pháo binh ở nhiều vị trí khác nhau rồi cùng khai hỏa nhằm vào một địa điểm. Điều này khiến Nga mất nhiều thời gian để xác định mục tiêu, cũng như đòi hỏi lượng đạn lớn hơn để tấn công các trận địa Ukraine.
Cranny-Evans cho hay: “Một khẩu pháo đơn lẻ của đối phương không phải mục tiêu đáng giá để cả khẩu đội Nga đồng loạt khai hỏa, nhất là khi nguồn cung đạn bị hạn chế. Tuy nhiên, Moskva đã sớm tìm ra giải pháp đối phó chiến thuật này”.
Cũng theo vị chuyên gia này, dân quân thân Nga ở vùng Donbass, gồm tỉnh Donetsk và Lugansk, hồi năm 2014 từng dùng máy bay không người lái (UAV) chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, phá vỡ đội hình của ba lữ đoàn Ukraine.
Những đội trinh sát pháo binh của dân quân Donbass được coi là tiền thân cho đơn vị tương tự mà Nga đang triển khai. Những tổ trinh sát hiện nay dùng UAV cỡ nhỏ để cung cấp dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực, giúp pháo binh và tên lửa Nga tấn công đối phương trước khi họ kịp sơ tán khỏi trận địa.
Trong đó, Orlan-30 được đánh giá là phi cơ nguy hiểm nhất cho pháo binh Ukraine vì chúng được trang bị hệ thống laser để chỉ thị mục tiêu cho đạn pháo dẫn đường Krasnopol có độ chính xác rất cao.
“UAV Orlan-30 có thể hoạt động liên tục trong 8 tiếng và truyền video ở khoảng cách đến 120 km. Điều này cho phép Orlan-30 hoạt động sâu trong hậu phương Ukraine hoặc quần thảo trong thời gian dài trên tiền tuyến”, CHACR cho biết.
Bên cạnh UAV liên tục quần thảo, pháo binh Nga còn triển khai nhiều radar phản pháo và cảm biến âm thanh để phát hiện vị trí khẩu đội Ukraine.
Đòn phản pháo bắt đầu khi UAV Nga phát hiện tia lửa đầu nòng, tín hiệu nhiệt và khói thuốc súng từ trận địa pháo Ukraine, hoặc radar và cảm biến phát hiện những quả đạn đang lao tới. Lực lượng Nga có thể phóng UAV tự sát Lancet hoặc chuẩn bị đạn pháo dẫn đường để đối phó.
Trong trường hợp khẩu đội pháo Ukraine thực hiện chiến thuật “bắn và chạy” nhằm tránh bị phản pháo, họ sẽ bị Lancet tấn công trong lúc thu hồi khí tài hoặc trên đường di chuyển.
Với trường hợp đối phương bám trụ trận địa, UAV Orlan-30 có thể dẫn đường cho đạn pháo Krasnopol hoặc chỉ thị cho UAV Lancet phá hủy công sự mục tiêu.
Cranny-Evans cảnh báo rằng pháo binh NATO rất dễ tổn thương khi phải đối mặt năng lực phản pháo kiểu mới của Nga. Khả năng đối phó UAV của quân đội các nước thành viên NATO chưa được kiểm chứng, đặc biệt khi đối mặt với lượng lớn phương tiện bay không người lái.