Các hồng y dự kiến sẽ họp trong ngày 22/4 để bàn về kế hoạch tổ chức lễ tang Giáo hoàng Francis. Sau đó, các lãnh đạo của Giáo hội từ khắp thế giới sẽ tham dự mật nghị trong tháng 5 để bầu giáo hoàng kế nhiệm.
Ngày 21/4, Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88 vì đột quỵ và đau tim. Trước đó, ông phải nằm viện 5 tuần vì bệnh viêm phổi kép, nhưng đã trở lại Vatican cách đây gần 1 tháng. Ông xuất hiện trên quảng trường Thánh Peter trong lễ Phục sinh ngày 20/4.
Sự ra đi đột ngột của Giáo hoàng Francis khởi đầu một loạt nghi lễ cổ xưa, khi Giáo hội gồm 1,4 tỷ thành viên bắt đầu quá trình chuyển giao từ giáo hoàng này sang giáo hoàng khác, bao gồm việc phá vỡ Nhẫn Ngư phủ và con dấu chì của giáo hoàng để không ai khác có thể sử dụng chúng.
“Chúng tôi muốn cảm tạ Chúa vì những món quà mà Người đã ban cho toàn thể Giáo hội với chức thánh tông đồ của Giáo hoàng Francis, người hành hương của niềm hy vọng”, Hồng y Mauro Gambetti, người chủ trì buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Peter vào tối 21/4, cho biết.
Tất cả các hồng y ở Rome được mời tập trung tại Vatican lúc 9 giờ sáng 22/4 để bàn và quyết định tang lễ.
Vatican cho biết, lễ tang dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng thời gian từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Trong một quyết định phá vỡ truyền thống, Giáo hoàng Francis viết trong di chúc công bố ngày 21/4, rằng ông muốn được chôn cất tại Vương cung thánh đường Đức mẹ Maria ở Rome chứ không phải Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Vatican cho biết vào cuối ngày 21/2, rằng những người làm việc trong Tòa thánh có thể ngay lập tức bắt đầu bày tỏ lòng thành kính trước thi hài của Giáo hoàng Francis tại Santa Marta, nơi Giáo hoàng Francis đã sống từ năm 2013.
Theo Vatican, thi hài của Giáo hoàng Francis có thể được chuyển đến Vương cung thánh đường Thánh Peter sớm nhất vào sáng 23/4 để các tín đồ đến viếng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump , người đã nhiều lần mâu thuẫn với Giáo hoàng Francis về vấn đề nhập cư, cho biết ông và phu nhân sẽ bay đến Rome để tham dự sự kiện này.
Trong số những nguyên thủ quốc gia khác sẽ tham dự có Tổng thống Javier Milei của Argentina, quê hương của Giáo hoàng Francis.
Cuộc họp của các hồng y cũng sẽ xem xét lại hoạt động hằng ngày của Giáo hội trong giai đoạn trước khi bầu giáo hoàng mới. Mật nghị để bầu ra giáo hoàng kế nhiệm thường diễn ra 15 – 20 ngày sau khi giáo hoàng qua đời, nghĩa là mật nghị sẽ không bắt đầu trước ngày 6/5. Khoảng 135 hồng y đủ điều kiện tham gia cuộc bỏ phiếu kín có thể kéo dài nhiều ngày.
Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm gần 80% số hồng y cử tri rải rác trên khắp thế giới. Họ sẽ là những người bầu giáo hoàng kế nhiệm.
Các hồng y sẽ có cơ hội tìm hiểu nhau tại nhiều cuộc họp được gọi là Đại hội đồng – diễn ra trong những ngày trước khi mật nghị bắt đầu. Tại đó, hồ sơ về những phẩm chất cần thiết của giáo hoàng kế nhiệm sẽ được định hình.