Ông Trump bảo hộ mậu dịch: Một loạt đối tác châu Á xích lại gần Campuchia, Thủ tướng sắp sang thăm


Học giả Campuchia cho biết các quốc gia trong khu vực đang tự chuẩn bị bằng cách thúc đẩy cả quan hệ song phương và khu vực nhằm đáp trả chính sách bảo hộ kinh tế của Mỹ.

Tờ Khmer Times (Campuchia) ngày 11/4 đưa tin, khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy trở lại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới sự thay đổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cường quốc trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Ấn Độ đang tích cực tìm cách củng cố và điều chỉnh lại mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của họ với Campuchia.

Làn sóng tiếp xúc ngoại giao

Trong một loạt các hoạt động ngoại giao diễn ra trong tuần này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đã có các cuộc gặp xã giao riêng biệt với đại sứ của Singapore, Thái Lan và Ấn Độ; mỗi bên đều thể hiện cam kết chắc chắn trong việc tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh khu vực đang có nhiều bất ổn.

Vào ngày 8/4, ông Sokhonn đã gặp Teo Lay Cheng – Đại sứ Singapore tại Campuchia – để thảo luận về các cách thức tăng cường quan hệ song phương, chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tới Campuchia vào cuối năm nay nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cũng trong ngày 8/4, Phó Thủ tướng Sokhonn đã chào đón Tull Traisorat – Đại sứ Thái Lan mới được bổ nhiệm tại Campuchia. Cuộc thảo luận của họ diễn ra trong bối cảnh Campuchia và Thái Lan chuẩn bị kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sắp có chuyến thăm chính thức Campuchia. Hai bên cũng nhất trí đẩy nhanh Kế hoạch hành động chung theo Quan hệ đối tác chiến lược và thảo luận về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban chung về hợp tác song phương vào cuối năm nay.

Tiếp tục làn sóng tiếp xúc ngoại giao, Phó Thủ tướng Sokhonn đã tiếp Bawitlung Vanlalvawna – Đại sứ Ấn Độ tại Campuchia – vào ngày 9/4. Hai bên bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ lâu đời giữa Campuchia và Ấn Độ và cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm thương mại, du lịch, quốc phòng, an ninh, giáo dục và kết nối giữa người dân với người dân.

“Các quốc gia trong khu vực phải ngồi lại và tìm ra tiếng nói chung”

Học giả đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao danh dự tại Trung tâm nghiên cứu khu vực Campuchia (CCRS) Pou Sothirak nói với Khmer Times rằng thực tế là các quốc gia trong khu vực đang tự chuẩn bị bằng cách thúc đẩy cả quan hệ song phương và khu vực dường như là để đáp trả chính sách bảo hộ kinh tế không ngừng nghỉ của Tổng thống Mỹ Trump.

“Các quốc gia trong khu vực phải ngồi lại và tìm ra tiếng nói chung để ứng phó với mức thuế quan trả đũa gần đây do chính quyền Trump áp đặt”, ông giải thích. “Không có khả năng những nước này sẽ trả đũa bằng cách áp thêm thuế đối với các sản phẩm của Mỹ, mà là tăng cường hợp tác giữa họ để giảm bớt tác động.”

“Trong một thời gian rất dài, các quốc gia ở Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương đã hướng ngoại khi nhắc đến chính sách thương mại và kinh tế của họ. Họ có thể đã bỏ lỡ một cơ hội lớn”, Sothirak nói.

Chuyên gia Sothirak cũng nói thêm rằng chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Singapore cũng sẽ tạo ra một cơ hội để hai bên có thể thảo luận về cách giải quyết căng thẳng toàn cầu hiện nay.

“Vẫn chưa biết liệu Singapore, một trong những quốc gia phát triển nhất trong khu vực, có sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo khi nói đến các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Mỹ hay không, nhưng thực tế là Singapore là một quốc gia rất tự do”, ông tuyên bố.

“Trong khi đó, tôi tin rằng Campuchia, với tư cách là một nước ủng hộ mạnh mẽ nền kinh tế tự do, sẽ cam kết tham gia vào bất kỳ loại sáng kiến chung nào và thậm chí có thể tự mình dẫn đầu một số dự án. Hiện tại, Vương quốc nên tìm kiếm đòn bẩy ở các quốc gia khác để hấp thụ tác động của mức thuế quan tiềm năng đối với nền kinh tế của mình”, Sothirak nói.

Theo Khmer Times, trong một tuyên bố gần đây, Thủ tướng Singapore Wong tuyên bố rằng các chính sách bảo hộ cực đoan đang được Mỹ thực hiện không phải là một cuộc cải cách mà đúng hơn là sự phủ nhận hệ thống mà quốc gia từng là nhà lãnh đạo toàn cầu của các nền kinh tế tự do này đã tạo ra.

“Những biện pháp này sẽ đẩy nhanh sự phân chia của nền kinh tế toàn cầu”, ông nói. “Thay vì vận động dựa trên hiệu quả kinh tế, dòng vốn và thương mại sẽ ngày càng bị chuyển hướng dựa trên sự liên kết chính trị và các cân nhắc chiến lược.”

Thủ tướng Singapore thậm chí còn đề nghị mọi người chuẩn bị tinh thần vì trước một tương lai khó đoán định.

“Trật tự có thể dự đoán và dựa trên luật lệ mà chúng ta từng biết đang mờ dần. Kỷ nguyên mới sẽ bất ổn hơn, với những cú sốc thường xuyên và khó lường hơn”, ông nói thêm.

“Chúng ta phải sẵn sàng kiên định và bảo vệ lợi ích của mình, bất kể gió bên ngoài có thổi như thế nào”, Thủ tướng Singapore nói.

(Theo Khmer Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *