CEO của một công ty bán dẫn nổi tiếng của Trung Quốc vừa có quyết định gây bất ngờ trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung leo thang.

Ảnh: Reuters
Mới đây, theo tờ SCMP, ông Gerald Yin Zheyao (81 tuổi), nhà sáng lập, chủ tịch kiêm CEO của công ty thiết bị chế tạo bán dẫn AMEC, đồng thời là chuyên gia bán dẫn kỳ cựu, đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và khôi phục quốc tịch Trung Quốc. Thông tin này được tiết lộ trong báo cáo thường niên công bố ngày 18/4.
Trên thực tế, ông Gerald Yin Zheyao là một nhân vật kỳ cựu trong ngành bán dẫn. Ông từng là việc ở tại Applied Research, Lam Research và Intel. Theo báo cáo các năm 2020, 2021 và 2022 của AMEC xác định, ông là công dân Mỹ.
Việc CEO AMEC bất ngờ thay đổi quốc tịch được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy chuỗi cung ứng bán dẫn dang ngày càng phân nhánh của Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang thương chiến giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành những hạn chế, bao gồm cấm người Mỹ tham gia vào việc phát triển hoặc sản xuất chip ở một số cơ sở chế tạo chất bán dẫn đặt tại Trung Quốc.
Năm 2024, hai giám đốc vận hành của AMEC quốc tịch Mỹ là Ni Tuqiang và Yang Wei, đã từ chức vị trí “nhân viên kỹ thuật nòng cốt”. Thời điểm đó, AMEC cho biết, điều này không có tác động bất lợi đáng kể đến tiến độ nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như khả năng hoạt động, khả năng cạnh tranh của công ty.
Mấy tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xóa tên AMEC ra khỏi danh sách những công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Nhà cung cấp công cụ sản xuất bán dẫn lớn ở Trung Quốc
Ông Gerald Yin Zheyao đã thành lập AMEC vào năm 2004 và nhanh chóng đưa công ty này trở thành nhà cung cấp những công cụ sản xuất bán dẫn lớn trong nước. Ngoài ra, AMEC còn nằm trong số những doanh nghiệp đi đầu trong nỗ lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc.
Trong năm 2024, AMEC có doanh thu vượt 9 tỷ NDT, tăng 44,73% so với năm 2023. Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm trung bình là hơn 40%. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của năm 2024 giảm 9,52% xuống còn 1,61 tỷ NDT trong cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi tiêu cho R&D tăng 94,31% lên 2,45 tỷ NDT, trong bối cảnh cạnh tranh trong nước ngày càng tăng.
AMEC cho biết, doanh nghiệp đã đẩy nhanh đáng kể quá trình R&D các sản phẩm mới, từ 3 – 5 năm xuống dưới 2 năm. Công ty này cũng đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách trong việc cung cấp các công cụ sản xuất chip cao cấp trong nước, đồng thời muốn bắt kịp và vượt qua các đối thủ cạnh tranh, cũng như đặt nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.
Trên thực tế, căng thẳng thương mại bùng phát sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đầu năm 2025. Vào tháng 2, Tổng thống Trump áp thuế 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng thuế suất 10 -15% với một số hàng hóa Mỹ. Đến đầu tháng 3, Mỹ tiếp tục áp thuế thêm 10% với Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân đã ứng phó bằng cách mở rộng danh sách hàng hóa Mỹ chịu thuế từ 10 – 15%.
Đặc biệt, vào ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với hàng loạt đối tác, trong đó có Trung Quốc, khiến thuế quan của hai bên áp lên nhau tăng vọt. Ngày 9/4, thuế đối ứng 84% của Mỹ với Trung Quốc có hiệu lực, khiến Trung Quốc đáp trả tương ứng.
Tuần trước, Tổng thống Trump hoãn thuế đối ứng với hầu hết đối tác, nhưng lại nâng thuế quan với Trung Quốc lên 125%. Một ngày sau, Nhà Trắng làm rõ thông tin và cho biết thuế đối ứng của Trung Quốc là 125%, nâng từ mức 84% trước đó. Điều này có nghĩa là tổng mức thuế mà hàng Trung Quốc phải chịu khi vào Mỹ hiện là 145%.
Đến ngày 15/4, Nhà Trắng cho biết một số mặt hàng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ phải đối mặt thuế quan tổng cộng 245%, vì các hành động trả đũa của quốc gia này.
Bài tham khảo nguồn: SCMP, Reuters, Baidu