“Đây chính là cú đấm thép của quân đội chúng tôi trong cuộc chiến chống lại sự tấn công từ bên ngoài (Nga và Belarus)” – Chỉ huy quốc gia thành viên NATO tuyên bố.
Nước NATO chính thức rút khỏi hiệp ước lịch sử
Cổng thông tin Defi (Latvia) ngày 16/4 đưa tin, Quốc hội Latvia (Saeima) đã hoàn tất lần đọc cuối cùng và chính thức thông qua luật cho phép nước này rút khỏi Hiệp ước Ottawa.
Hiệp ước Ottawa (hay Công ước Cấm mìn) được ký kết vào năm 1977 với mục tiêu là “ngăn chặn nỗi đau khổ mà các loại mìn gây ra cho dân thường”. Đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt lịch sử khi chứng kiến 164 quốc gia tự phá hủy kho mìn của mình và cam kết không sử dụng chúng trong tương lai.
Latvia đã gia nhập Hiệp ước Ottawa vào năm 2005 và đến năm 2010 đã hoàn tất việc tiêu hủy toàn bộ mìn sát thương cá nhân không điều khiển trong kho vũ khí.
“66 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc rút khỏi [hiệp ước], 14 nghị sĩ bỏ phiếu chống <…> và 2 nghị sĩ bỏ phiếu trắng” – Difi cho hay.
Bà Inara Mūrniece, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại – đơn vị chịu trách nhiệm xem xét dự luật tại Saeima cho biết, “việc rút khỏi Công ước Ottawa sẽ trao cho lực lượng vũ trang của chúng ta khả năng linh hoạt trong việc sử dụng mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ công dân trong trường hợp có mối đe dọa quân sự”.
Sau quyết định của Saeima, Bộ Ngoại giao Latvia cho biết họ sẽ sớm gửi văn bản rút khỏi Hiệp ước đến các quốc gia thành viên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an.
Trước đó, vào cuối tháng 3 năm nay, Latvia, Lithuania, Estonia (3 quốc gia Baltic) và Ba Lan đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Ottawa, chỉ chờ Quốc hội từng nước thông qua quyết định cuối cùng.
Đáng lưu ý, Ba Lan đang cân nhắc khả răng rút khỏi cả Công ước Dublin về bom chùm.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lưu ý, tất cả các nước láng giềng của Ba Lan đều sở hữu cả hai loại vũ khí này, vì vậy Ba Lan cũng cần tận dụng mọi phương tiện sẵn có để bảo đảm an ninh quốc gia.
Những hành động này được Nga nhìn nhận là “nguồn gốc tiềm ẩn gây căng thẳng mới trong khu vực”. Dù Moscow không phải là một thành viên của Hiệp ước Ottawa nhưng cả 4 nước trên đều có chung biên giới trên bộ với Nga.
“Chúng ta sẽ đón tiếp Nga bằng lửa và thép”
Song song với việc rút khỏi Hiệp ước Ottawa, Latvia tuyên bố “sẽ đón tiếp Nga bằng lửa và thép” (tương đương với hỏa lực và vũ khí hạng nặng) khi công bố các hình ảnh tập trận mới nhằm “chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng từ 2 nước láng giềng thù địch (theo cách gọi của Latvia): Nga (phía đông) và Belarus (phía đông nam).
Cách đây 2 năm, quân đội Latvia có khoảng 6.600 binh sĩ đang tại ngũ. Hiện tại, lực lượng này đã tăng lên 7.870 quân nhân chuyên nghiệp, trong khi lực lượng Vệ binh Quốc gia Latvia (Zemessardze) đã tăng từ 1.200 lên 10.000 người, cùng với 38.000 quân dự bị.
Lý giải về quyết định gia tăng sức mạnh quân đội, truyền thông Latvia cho biết, nước này là một trong những quốc gia “bị Nga đe dọa kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra”. Vì thế, người Latvia “buộc phải nghiêm túc củng cố quốc phòng”.
Hiện quân đội Latvia được tổ chức thành một lực lượng cơ giới hóa duy nhất, không có xe tăng, bao gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn hỗ trợ và 1 đơn vị pháo binh được trang bị 47 pháo tự hành M109A5Ö. Ngoài ra, nước này cũng đặt mua 6 hệ thống pháo phản lực HIMARS vào năm 2023.
Kênh tin tức quốc gia Latvia lưu ý, trong cuộc chiến 1918–1920, “Latvia đã giành chiến thắng trước Hồng quân (Liên Xô) với sự hỗ trợ của quân đội Estonia và Ba Lan”:
“Ngày nay, chúng ta có lực lượng mạnh hơn và nhiều đồng minh hơn để đối phó với một cuộc tấn công từ Nga – điều mà NATO sẽ coi là hành động chiến tranh” – kênh này cho hay.
Các đoạn video từ cuộc tập trận cho thấy quân đội Latvia sử dụng súng chống tăng Carl Gustaf M4 cỡ nòng 84mm và pháo tự hành M109A5Ö.
“Đây chính là cú đấm thép của quân đội chúng tôi trong cuộc chiến chống lại sự tấn công từ bên ngoài” – chỉ huy lực lượng quân đội Latvia tuyên bố đầy tự tin.
Latvia cũng là một trong số các quốc gia đang dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine. Tháng 4/2024, Latvia và Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm, trong đó Riga sẽ hỗ trợ quân sự thường niên 0,25% GDP cho Kiev.
Gần đây nhất, vào tháng 3 năm nay, Latvia đã bắt đầu chuyển giao 500 phương tiện bay không người lái (UAV) chiến đấu mới cho Kiev như một phần của liên minh UAV quốc tế nhằm hỗ trợ Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Spruds khẳng định, nước này đang từng bước trở thành siêu cường UAV đồng thời nhấn mạnh bằng cách giúp đỡ Ukraine, Latvia sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Nga cảnh cáo nóng
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Mikhail Vedernikov – Thống đốc vùng Pskov (Nga) cho hay, không chỉ có các động thái về quân sự, Latvia đang đẩy mạnh chính sách chống người Nga.
Ông Pskov cho biết, ông đã có cuộc gặp với những người di cư từ Latvia, và tình hình giờ đây cho thấy “mọi thứ liên quan tới Nga đều bị cấm tại Latvia”.
“Chỉ cần biết tiếng Nga thôi đã bị coi là một cái tội. Việc thông thạo ngôn ngữ quốc gia (tiếng Latvia) chẳng có ý nghĩa gì. (…) Thậm chí có thể bị phạt chỉ vì xem các kênh truyền hình Nga. Việc giám sát được thực hiện nhờ thiết bị đặc biệt và… những ‘người hàng xóm tốt bụng’ – giờ đây ‘tố cáo’ người khác đã trở thành mốt thời thượng” – ông Vedernikov nói.
Ông cảnh cáo những hành động như vậy chẳng khác nào “tự bắn vào chân mình”, bởi điều này dẫn đến việc suy giảm dân số và gây ra các vấn đề về kinh tế.
“Những người có lý trí sẽ rời bỏ một chế độ như thế. Các vấn đề về kinh tế cũng sẽ phát sinh, ít nhất là do sự sụt giảm trong lĩnh vực vận tải quá cảnh” – ông Vedernikov nhấn mạnh.
Trong khi đó, trước động thái rời bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí của Latvia và hai nước Baltic, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Nga sẽ tiến hành “các biện pháp quân sự và kỹ thuật” để đảm bảo an ninh quốc gia.
“Những nỗ lực của Ba Lan và các nước vùng Baltic nhằm rút khỏi Hiệp ước Ottawa sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng ở châu Âu, và làm suy yếu tình hình trong lĩnh vực an ninh quốc tế khu vực.
Do đó, Nga sẽ tiến hành các bước trả đũa để đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia, bao gồm cả việc sử dụng các phương án quân sự – kỹ thuật” – Bà Zakharova nhấn mạnh.
(Theo Izvestia, Topwar, Sputnik News)