Nữ tướng này là ai?
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nếu nhắc đến nữ nhân thời Tam Quốc, cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mọi người có lẽ là Điêu Thuyền, hoặc là Đại Kiều và Tiểu Kiều. Nữ tướng ưa thích đao thương thì chỉ có Tôn Thượng Hương. Dù vậy, một người để thị nữ mang theo binh khí, phòng khuê chất đầy vũ khí như nàng cuối cùng lại trở thành phu nhân của Lưu Bị, rời xa chiến trường. Thế nhưng, không phải những người kể trên, còn có một nữ tướng tài ba khiến cả Triệu Vân và Ngụy Diên nhiều lần nếm mùi thất bại. Bà là ai và bằng cách nào Gia Cát Lượng đã khuất phục được bà?
Nữ tướng một mình giao chiến với nhiều tướng Thục
Gần cuối tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả mới để nữ nhân phi thường này xuất hiện. Vị nữ tướng này chính là Chúc Dung phu nhân, vợ của Mạnh Hoạch. Trong tiểu thuyết này, Chúc Dung xuất hiện tại hồi thứ 90 cho đến hồi 91. Chúc Dung cũng là chị ruột của Đái Lai Động chúa, trưởng bộ phát phiên và là chúa động Đái Lai.

Vị nữ tướng này chính là Chúc Dung phu nhân, vợ của Mạnh Hoạch. (Ảnh: Sohu)
Chúc Dung phu nhân vốn là người Nam Man, con cháu họ Chúc Dung khi xưa, giỏi võ, có tài tung đao, phóng đâu trúng đấy, gài năm mũi dao nhọn ở sau lưng, một tay cầm dao dài, tay kia cầm vững ngọn côn, cưỡi ngựa long quân sắc đỏ.
Bà là nữ tướng duy nhất xuất hiện trên chiến trường Tam Quốc. Tuy là nữ nhi nhưng lại văn võ song toàn. Bà đã dùng chiến tích của mình để chứng minh rằng phụ nữ không hề thua kém nam giới!
Bắt hai tướng Thục
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Mã Trung và Trương Ngực được phái đến Nam Man để thảo phạt. Chúc Dung phu nhân dẫn quân ra nghênh chiến, khiến hai vị tướng lĩnh lừng danh trên sa trường phải lúng túng. Tuy chất lượng và số lượng tướng lĩnh thời kỳ cuối Tam Quốc không bằng thời kỳ đầu, nhưng việc họ được giao trọng trách thảo phạt Nam Man cũng đủ thấy năng lực của họ.
Gia Cát Lượng thời trẻ đã theo Lưu Bị rong ruổi khắp nơi, có thể coi là kiến thức uyên bác. Trước khi qua đời, ông còn khen ngợi Mã Trung và Trương Ngực là những người dày dặn kinh nghiệm trận mạc, có thể trọng dụng.
Thế nhưng hai vị tướng được Gia Cát Lượng tán thưởng này khi đối đầu với Chúc Dung phu nhân lại không chiếm được thượng phong.
Trương Ngực thậm chí còn bị bắt sống. Mã Trung vội xông ra cứu, quân Man lại xô cả vào vây bọc Mã Trung. Mã Trung xốc tới đánh Chúc Dung phu nhân nhưng bị quân Man quăng dây ra giật chân ngựa, Trung ngã, lại bị bắt nốt. Chúc Dung giải cả hai tướng về động ra mắt chồng. Hoạch mừng rỡ, mở tiệc ăn mừng. Phu nhân quát đao phủ lôi Trương Ngực, Mã Trung ra chém nhưng Mạnh Hoạch ngăn lại.
Nữ tướng khiến cả Triệu Vân và Ngụy Diên nhiều lần thất bại
Sau đó, Triệu Vân và Ngụy Diên cũng giao chiến với Chúc Dung phu nhân nhưng không thể bắt sống hay tiêu diệt được bà. Điều này cho thấy thực lực của bà không thể xem thường.
Qua việc Trương Ngực và Mã Trung bị bắt sống có thể thấy, bà đã lên kế hoạch hoàn hảo từ trước khi giao chiến, quyết tâm tóm được hai vị tướng này.
Biết tin hai người bị bắt, Gia Cát Lượng liền bày kế cho Triệu Vân và Ngụy Diên giả thua để nhử Chúc Dung phu nhân mắc câu. Tuy nhiên, bà không hề trúng kế. Khi thấy đối phương giả thua, bà chỉ ra lệnh rút quân về động, không thừa thắng xông lên, khiến kế hoạch của Gia Cát Lượng không thể thực hiện được.
Kế hoạch thứ nhất thất bại, Gia Cát Lượng lại bày kế khác. Ông lệnh cho Triệu Vân tiếp tục dẫn dụ Chúc Dung phu nhân ra ngoài, sau đó phái Ngụy Diên dẫn một toán quân chặn đường về của bà và buông lời nhục mạ. Chúc Dung phu nhân chưa từng gặp phải chiêu trò như vậy nên đã bị chọc giận.
Chúc Dung Phu nhân vội quay lại đánh thì Ngụy Diên đã chạy, Chúc Dung tức giận đuổi theo, Ngụy Diên rẽ vào đường nhỏ sườn núi. Chúc Dung đuổi theo thì bị trúng bẫy, ngã lăn trên mặt đất. Nguyên là Mã Đại phục sẵn ở đó, chờ ngựa Chúc Dung đến, liền quăng dây ra giật ngã cả người lẫn ngựa rồi trói cả lại giải về trại.
Mã Đại giải Chúc Dung phu nhân vào, Khổng Minh sai võ sĩ cởi trói, mời ở riêng một trướng khác, cho uống rượu áp kinh. Rồi sai người sang trại Mạnh Hoạch xin đem phu nhân đánh đổi hai tướng Trương Ngực, Mã Trung. Hoạch lập tức tha cho hai tướng về, Khổng Minh cũng sai người đưa phu nhân về động.
Sau đó trong trận đánh cuối cùng với quân Ô Qua của Ngột Đột Cốt, sau khi quân Ô Qua bị thiêu cháy ở hang Bàn Xà, Vương Bình, Trương Dực đã dẫn quân sấn vào trong trại Man, bắt nàng Chúc Dung và cả nhà Mạnh Hoạch già trẻ lớn bé điệu đi. Khổng Minh cho Mạnh Hoạch, Chúc Dung phu nhân, Mạnh Ưu, Đái Lai động chúa và cả tông đảng đang ăn uống và dùng kế nhỏ khiến Mạnh Hoạch cùng tông đảng cảm động và quy thuận. Chúc Dung cũng quy thuận theo chồng.
Tuy Gia Cát Lượng muốn bắt sống Chúc Dung phu nhân, nhưng kế hoạch không thành nên đã dùng cách nhục mạ để giành chiến thắng. Phải nói rằng, đây là trận thắng không vẻ vang nhất trong tất cả các trận thắng của vị quân sư được mệnh danh là Ngọa Long.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả trên Sohu.
Theo Sohu, Sina, 163