Cho đến gần đây, người đàn ông quyền lực nhất Pakistan vẫn ẩn mình và hạn chế phát biểu công khai. Nhưng sau vụ tấn công khủng bố chết người cách đây gần 2 tuần tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, tướng Syed Asim Munir – Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, bước ra khỏi bóng tối.
Trong khi Chính phủ Ấn Độ chịu sức ép phải hành động mạnh mẽ để đáp trả vụ vụ tấn công khủng bố khiến 26 người thiệt mạng ở thị trấn du lịch Pahalgam, tướng Munir trở thành đại diện nổi bật nhất của Pakistan để thể hiện thái độ cứng rắn với nước láng giềng.
Ngày 1/5, khi đứng trên một chiếc xe tăng tham gia tập trận, tướng Munir phát biểu trước quân đội trên chiến trường: “Đừng mơ hồ. Bất kỳ hành động quân sự nào của Ấn Độ cũng sẽ vấp phải phản ứng nhanh chóng, kiên quyết và mạnh mẽ”.
Phát biểu của tướng Munir cho thấy Pakistan sẵn sàng thể hiện sức mạnh và tập hợp sự ủng hộ của dân chúng sau nhiều năm nước này trải qua tình trạng chia rẽ chính trị và khó khăn kinh tế.
Phản ứng của tướng Munir dường như không chỉ là một tính toán chính trị. Các nhà phân tích mô tả ông là người theo đường lối cứng rắn với Ấn Độ xuất phát từ quan điểm hình thành trong thời gian ông lãnh đạo hai cơ quan tình báo quân sự hàng đầu của Pakistan. Ông cũng có niềm tin, rằng mâu thuẫn kéo dài với Ấn Độ về bản chất là một cuộc xung đột tôn giáo.
Phát biểu trước đám đông tại thủ đô Islamabad, tướng Munir gọi Kashmir – nơi đang bị chia cắt với một phần do Pakistan quản lý và một phần do Ấn Độ quản lý – là “tĩnh mạch” của đất nước. Cụm từ đó cho thấy Pakistan coi Kashmir là yếu tố sống còn đối với bản sắc dân tộc của mình.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ lên án phát biểu này và gọi Kashmir là “một phần không thể tách rời” của Ấn Độ.
Mỹ và Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hạ nhiệt căng thẳng. Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc Asim Ahmad cho biết nước này đã trao đổi với Trung Quốc về căng thẳng với Ấn Độ. Trung Quốc là đồng minh của Pakistan và có lợi ích kinh tế tại đó.
Ngoại giao có thể không đủ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố New Delhi sẽ truy đuổi “tất cả những kẻ khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng đến tận cùng Trái đất”.
Sau các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Ấn Độ ở Kashmir năm 2016 và 2019, Ấn Độ đã đáp trả bằng cách tấn công khu vực mà họ cho là trại khủng bố bên trong Pakistan.
Lần này, với 26 người vô tội bị những kẻ tấn công giết hại tại một điểm du lịch, một cuộc không kích qua biên giới dường như sẽ không đủ để xoa dịu cơn thịnh nộ của dư luận Ấn Độ, các nhà phân tích nhận định.
Thuyết hai quốc gia
Trong phát biểu đưa ra ngày 26/4, tướng Munir nhắc lại “thuyết hai quốc gia” từ khi thành lập nhà nước Pakistan năm 1947, khẳng định người Hindu và người Hồi giáo cần có quê hương riêng biệt. Học thuyết này từ lâu đã định hình bản sắc dân tộc và chính sách đối ngoại của Pakistan.
Trong phát biểu gần đây nhất, tướng Munir tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bỏ mặc những người anh em Kashmir trong cuộc đấu tranh anh dũng mà họ đang tiến hành chống lại sự chiếm đóng của Ấn Độ”.
Shekhar Gupta, tổng biên tập báo ThePrint ở Ấn Độ, cho rằng thời điểm và sắc thái của phát biểu này khiến Ấn Độ khó có thể bỏ qua.
“Ông ta đã khơi dậy sự thù địch với người Hindu, điều mà không một nhà lãnh đạo Pakistan nào – cả dân sự lẫn quân sự – từng làm trong một thời gian dài”, ông Gypta đánh giá.
Các quan chức Pakistan bác bỏ việc liên kết những phát biểu của tướng Munir với vụ tấn công ở Kashmir. Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc Ahmad cho rằng “nguyên nhân gốc rễ” của tình trạng bất ổn vẫn là tranh chấp chưa được giải quyết ở Kashmir.
Vùng đất này là tâm điểm cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi phân định năm 1947. Chiến tranh, nổi loạn và các chiến dịch quân sự đã xảy ra ở Kashmir, biến nơi đây trở thành một trong những điểm nóng bất ổn nhất thế giới.
Giữa căng thẳng leo thang, ngày 5/5, Pakistan thông báo bắn thử tên lửa đất đối đất Fatah có tầm bắn 120 km, còn Ấn Độ đã yêu cầu một số bang triển khai tập trận an ninh vào ngày 7/5.
Cách đây hai hôm, Pakistan phóng thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất Abdali có tầm bắn 450 km.
Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết, vụ phóng thử thành công “cho thấy rõ quốc phòng của Pakistan đang nằm trong tay những người mạnh mẽ”.