Người phụ nữ nhận thông báo chồng nợ xấu 280 triệu đồng từ 3 năm trước, bị ngân hàng khởi kiện: “Chồng tôi đã qua đời được 5 năm”


Người phụ nữ Trung Quốc bất ngờ được thông báo chồng vay nợ ngân hàng nhưng sau đó phát hiện nhiều điểm bất thường trong hợp đồng cho vay.

Bản hợp đồng cho vay kỳ lạ

Năm 2014, người phụ nữ họ Đậu (Quảng Tây, Trung Quốc) bất ngờ nhận được lệnh triệu tập từ tòa án. Nội dung văn bản gửi đến cho thấy một ngân hàng tại địa phương đã khởi kiện chồng bà là ông Lý Đường Thành do nợ xấu. Khoản vay tính cả lãi là 80.000 NDT (hơn 280 triệu đồng), nếu không trả có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người thân trong gia đình, khó vay vốn sau này.

Ban đầu cô Đậu nghĩ chồng đã giấu mình vay tiền, nhưng sau khi xem xét ký các giấy tờ phát hiện khoản vay được xác định từ năm 2011, trong khi ông Lý đã qua đời vì bạo bệnh từ năm 2009. Điều này khiến người phụ nữ hoang mang, đặt câu hỏi về tính xác thực của hợp đồng có chữ ký của Lý Đường Thành.

Phía ngân hàng cho rằng có khả năng người nhà ông Lý đã dùng giấy tờ tuỳ thân của người quá cố để vay tiền, nhưng gia đình một mực phủ nhận. Sau nhiều cuộc tranh luận không có kết quả, họ bắt đầu xem xét lại hợp đồng và nhận ra có tên 2 người bảo lãnh đáng ngờ.

Người đầu tiên là bà Lý Uyển Cầm, nhưng người phụ nữ xuất thân từ nông thôn, chưa từng đến ngân hàng và không biết thủ tục vay tiền, bảo lãnh ra sao. Chính quyền địa phương nơi bà Lý cũng xác nhận việc bà không có thẻ ngân hàng, gia đình đều làm nông và không dùng các dịch vụ tại ngân hàng.

Người bảo lãnh thứ 2 là ông Trần Khắc Lượng, cũng không biết thông tin về khoản vay và việc tên mình xuất hiện trong hợp đồng cho vay của ông Lý. Bà Đậu nói chưa bao giờ nghe thấy chồng nhắc về 2 người này, cho thấy người vay tiền và người bảo lãnh thậm chí còn không quen nhau.

Sự thật không ai ngờ đến

Vì không tìm được tiếng nói chung với ngân hàng trong việc giải quyết khoản vay, bà Đậu đã báo cảnh sát điều tra. Lực lượng chức năng Trung Quốc bắt đầu thẩm vấn từ người xử lý hợp đồng cho vay, đó là nhân viên Tiêu Thần. Kết quả, nhân viên này lập tức khai nhận hành vi.

Tiêu Thần cho biết vì không muốn thành tích của bản thân xếp cuối nên đã “bắt tay” với các công ty tín dụng đen. Nhân viên này cung cấp cho các công ty tín dụng đen thông tin khách hàng có liên quan, phía công ty sẽ làm thẻ căn cước công dân giả và thuê người đến ngân hàng lập hợp đồng vay.

Tiêu Thần phụ trách các hợp đồng này nên hiệu suất thưởng và hoa hồng tăng lên, trong khi nhiều khách hàng bị lợi dụng thông tin chịu những khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”. Nhân viên này nhắm đến những người cao tuổi, ít hiểu biết về pháp luật và ít giao dịch ngân hàng để lừa đảo.

Có một số nạn nhân đã chọn cách trả các khoản nợ này nhanh chóng vì không muốn rắc rối với ngân hàng, ảnh hưởng đến điểm tín dụng. Bản thân Tiêu Thần không nghĩ rằng chiêu thức lừa đảo tinh vi lại bị vạch trần vì công ty tín dụng đen sử dụng nhầm thông tin của người quá cố.

Sự thật được sáng tỏ, ngân hàng xin lỗi gia đình bà Đậu cũng như các nạn nhân khác đồng thời tiến hành xoá các khoản nợ. Câu chuyện của gia đình bà Đậu ở Trung Quốc cũng là lời nhắc nhở về sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức pháp luật, đặc biệt với người cao tuổi ở nông thôn. “Tôi chỉ mong những người như Tiêu Thần bị trừng trị thích đáng, để người dân không còn lo sợ khi gửi tiền vào ngân hàng”, bà Đậu chia sẻ.

Theo Toutiao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *