Người đàn ông lần đầu vay tiền cho con trai cưới vợ lại bị ngân hàng từ chối: “Cả làng anh đang nợ xấu 700 tỷ đồng”


Người đàn ông Trung Quốc chưa từng vay ngân hàng lại được thông báo đang nợ xấu hơn 2 tỷ đồng.

Năm 2017, người đàn ông họ Triệu ở thành phố Tín Dương (Trung Quốc) đến một ngân hàng ở địa phương để vay tiền tổ chức đám cưới cho con trai. Dù chưa từng vay ngân hàng, yêu cầu của ông Triệu lại bị từ chối với lý do đang nợ 600.000 NDT (2,1 tỷ đồng) quá hạn chưa trả. Do đó, ông Triệu bị ngân hàng xếp vào danh sách đen tín dụng, không thể cho vay.

Người đàn ông bày tỏ thắc mắc việc bản thân chỉ có tài khoản tiết kiệm, đây là lần đầu tiên ông làm thủ tục xin vay, không thể phát sinh khoản nợ lớn như vậy. Nhân viên ngân hàng chỉ giải thích khoản vay này hợp pháp, thuyết phục ông Triệu trả tiền mới có thể vay tiếp. Nhân viên còn cho biết khu vực nơi ông Triệu sinh sống cũng đang có nhiều người vướng vào khoản nợ xấu tổng cộng 200 triệu NDT (700 tỷ đồng).

Sau đó, ông Triệu biết được việc một số người dân trong làng đã nhận được lệnh triệu tập của toà án do nợ tiền nhưng không trả, có khả năng bị tịch thu nhà. Hầu như gia đình nào trong làng cũng có người dính nợ “từ trên trời rơi xuống”, từ 300.000 – 1 triệu NDT (1- 3,5 tỷ đồng) dù chưa từng đặt bút ký giấy tờ vay nợ nào. Họ đều là người cao tuổi, thậm chí chưa từng đến ngân hàng hay có tài khoản cá nhân.

Khi người dân tìm đến ngân hàng, cũng nhận được câu trả lời tương tự với ông Triệu: khoản vay hợp pháp, đúng quy định, nếu không trả nợ sẽ bị tịch thu tài sản thế chấp. “Họ nói tự tôi vay tiền, nhưng tôi thậm chí còn không biết tên ngân hàng này và cũng chưa bao giờ giao dịch tại ngân hàng nào khác. Làm sao tôi có thể vay được”, một người phụ nữ bức xúc nói.

Người đàn ông họ Trần trong làng nhận được lệnh triệu tập của toà án nêu rõ vợ anh đã vay 160.000 NDT (hơn 500 triệu đồng) vào năm 2016, trong khi người vợ qua đời từ năm 2011.

Dân làng không chỉ hoang mang về việc phải trả nợ mà còn lo lắng nếu tài khoản bị xếp vào danh sách tín dụng xấu, ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình. Khi bị ông Triệu và người làng chất vấn về những hợp đồng cho vay không cần chữ ký, phía ngân hàng chỉ giải thích nhân viên xử lý các khoản vay này đã không còn làm việc và mất liên lạc, họ không có cách nào kiểm tra lại quy trình cho vay.

Sau khi cảnh sát Trung Quốc vào cuộc điều tra, phát hiện nhân viên họ Lý tự ý lập hồ sơ vay mà không cần chữ ký của dân làng. Người này lợi dụng việc xử lý hồ sơ lương hưu của người cao tuổi trong làng để đánh cắp thông tin, làm giả chữ ký và vân tay.

Nhân viên Lý nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ còn phía ngân hàng phải xin lỗi dân làng và xóa khoản nợ, hồ sơ tín dụng xấu. Vụ việc khiến người dân địa phương nghi ngờ về lỗ hổng trong khâu phê duyệt các khoản vay tại ngân hàng này.

Trước đó, năm 2014 tại Quảng Tây (Trung Quốc) cũng xảy ra vụ việc tương tự liên quan đến nợ xấu. Người phụ nữ họ Đậu bất ngờ nhận được lệnh triệu tập từ tòa án. Nội dung văn bản gửi đến cho thấy một ngân hàng tại địa phương đã khởi kiện chồng bà là ông Lý Đường Thành do nợ xấu. Khoản vay tính cả lãi là 80.000 NDT (hơn 280 triệu đồng).

Ban đầu cô Đậu nghĩ chồng đã giấu mình vay tiền, nhưng sau khi xem xét ký các giấy tờ phát hiện khoản vay được xác định từ năm 2011, trong khi ông Lý đã qua đời vì bạo bệnh từ năm 2009. Hai người bảo lãnh trong hợp đồng vay đều không quen biết ông Lý, cũng chưa từng đến giao dịch tại ngân hàng.

Kết quả, người tự lập hồ sơ vay là một nhân viên ngân hàng, vì không muốn thành tích của bản thân xếp cuối nên đã “bắt tay” với các công ty tín dụng đen. Nhân viên này cung cấp cho các công ty tín dụng đen thông tin khách hàng là người cao tuổi, ít hiểu biết về pháp luật, phía công ty sẽ làm thẻ căn cước công dân giả và thuê người đến ngân hàng lập hợp đồng vay.

Theo Toutiao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *