Nghỉ làm 3 năm ở nhà chăm con, kinh tế phụ thuộc chồng hoàn toàn, biến cố ập đến khiến mẹ bỉm thức tỉnh


“Tôi từng nghĩ chỉ cần toàn tâm chăm lo cho con cái, chồng sẽ luôn trân trọng. Nhưng một ngày, tôi nhận ra mình đang đánh đổi quá nhiều…”.

Đó là lời chia sẻ thật lòng của một mẹ bỉm sau 3 năm gác lại sự nghiệp để ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi dạy hai con nhỏ. Trước đây, chị từng là một nhân viên văn phòng, thu nhập ổn định 15 triệu/tháng. Cuộc sống không quá dư dả nhưng đủ để chị tự chủ, làm điều mình muốn và cảm thấy có giá trị riêng.

Kết hôn, mang thai, sinh con, mọi thứ diễn ra dồn dập. Vì nghén nặng, sức khỏe yếu, chồng chị động viên nghỉ làm để yên tâm dưỡng thai. Rồi lần lượt hai bé chào đời, chị gắn bó với căn bếp, những bữa ăn, những đêm thức trắng chăm con sốt, tã bỉm… Công việc ở nhà không tên, không lương nhưng chị vẫn thấy ổn vì chồng chị là người làm ra kinh tế, và quan trọng nhất: Anh đưa toàn bộ thu nhập cho chị giữ.

Tưởng chừng mọi thứ đang “chạy” đúng quỹ đạo của một gia đình êm ấm thì một ngày, chồng chị bất ngờ đề cập đến chuyện muốn rút tiền để đầu tư tiền ảo: “Em không đồng ý vì thấy rủi ro, nhưng chồng cứ nằng nặc bảo đó là cơ hội. Chúng em cãi nhau rất lớn. Cuối cùng, vì muốn êm chuyện, em đành đưa tiền cho anh…”.

Nghỉ làm 3 năm ở nhà chăm con, kinh tế phụ thuộc chồng hoàn toàn, biến cố ập đến khiến mẹ bỉm thức tỉnh- Ảnh 1.

Tâm sự của mẹ bỉm

Sau lần ấy, chồng chị tuyên bố sẽ không để vợ giữ tiền nữa, mà chỉ đưa tiền chi tiêu hàng tháng. Từ một người nắm quyền “tay hòm chìa khóa”, chị bỗng trở thành “người tiêu tiền được phát hàng tuần”.

Cảm giác hụt hẫng, tổn thương và mất niềm tin ập đến như một gáo nước lạnh. Không phải vì tiếc tiền, mà là vì chị nhận ra mình đã phụ thuộc quá lâu, quá nhiều, và hoàn toàn không có phương án phòng thân.

Ba năm nghỉ làm, quỹ thời gian ấy chị dồn hết vào con cái và gia đình. Chị tự hào vì đã làm tròn trách nhiệm người mẹ, người vợ, nhưng đổi lại là cảm giác bị động và mất đi vị trí bình đẳng trong hôn nhân.

Hiện tại, chị đang đứng giữa ngã rẽ: Có nên tiếp tục ở nhà như trước, chỉ nhận tiền chồng đưa hàng tháng và mặc kệ mọi thứ? Hay cố gắng làm lại từ đầu, dù biết sẽ rất vất vả?

“Em nên nhận tiền chi tiêu hàng tháng và không quan tâm gì đến tiền chồng làm ra hay là trao đổi để chồng đưa tiền cho em như trước. Nếu em chỉ nhận tiền chi tiêu thì đồng nghĩ là em sẽ không quan tâm chồng e làm gì, như nào nữa.

Vì em nghỉ làm văn phòng lâu quá rồi, thực sự nếu đi làm lại em phải bắt đầu lại từ đầu, việc này không phải là không thể nhưng cần đấu tranh và cố gắng rất nhiều. Theo các chị em em nên ở nhà chăm con tiếp hay ra ngoài tìm việc gì đó làm. Em thực sự hoang mang vì nghỉ làm lâu rồi giờ chưa biết nên bắt đầu lại như thế nào”, mẹ bỉm chia sẻ.

Dưới phần bình luận, rất nhiều lời khuyên được đưa ra cho mẹ bỉm, đa số đều khuyên dù chồng có kiếm được tiền, có điều kiện cỡ nào thì hãy tự đi làm, có tiếng nói riêng và tự làm ra tiền.

Nghỉ làm 3 năm ở nhà chăm con, kinh tế phụ thuộc chồng hoàn toàn, biến cố ập đến khiến mẹ bỉm thức tỉnh- Ảnh 2.

Nghỉ làm 3 năm ở nhà chăm con, kinh tế phụ thuộc chồng hoàn toàn, biến cố ập đến khiến mẹ bỉm thức tỉnh- Ảnh 3.

Nghỉ làm 3 năm ở nhà chăm con, kinh tế phụ thuộc chồng hoàn toàn, biến cố ập đến khiến mẹ bỉm thức tỉnh- Ảnh 4.

Chia sẻ từ mọi người

Câu chuyện của mẹ bỉm trên không phải hiếm gặp trong các gia đình trẻ hiện nay. Nhiều phụ nữ chọn ở nhà chăm con, hy sinh sự nghiệp cá nhân vì nghĩ rằng đó là điều tốt nhất cho con cái. Nhưng thời gian trôi qua, khi mất đi khả năng tự chủ tài chính, nhiều người bắt đầu cảm thấy mất phương hướng, tự ti, thậm chí là… vô hình trong chính ngôi nhà của mình.

Việc một người phụ nữ nghỉ làm để chăm con là điều đáng trân trọng. Nhưng nếu lựa chọn đó đi kèm với việc đánh mất tiếng nói, mất quyền quyết định tài chính, và không có phương án cho tương lai, thì rủi ro là rất lớn.

Dù bạn đang là mẹ bỉm toàn thời gian hay vừa quay lại đi làm sau sinh, hãy nhớ: Phụ nữ không cần lúc nào cũng phải kiếm nhiều tiền, nhưng nhất định phải có khả năng tự chủ, về tâm lý, tài chính và cuộc sống.

Chăm con là hành trình tuyệt vời, nhưng đừng quên chăm chính mình. Đừng để đến khi biến cố xảy ra mới nhận ra: mình chẳng có gì để tựa vào, ngoài một tấm lòng đã quá kiên cường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *