Agribank cho biết, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi chiêu trò nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Agribank khuyến cáo khách hàng một số hình thức lừa đảo đang phổ biến hiện nay.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) mới đây đã có thông báo cập nhật cảnh báo các kịch bản lừa đảo mới, đang phổ biến hiện nay, nhằm nâng cao cảnh giác và bảo vệ tài sản cá nhân.
Cụ thể, giả danh cơ quan chức năng: Thông báo phạt nguội vi phạm giao thông; Đe dọa liên quan đến các vụ án hình sự; Mạo danh các cơ quan lớn như Bộ Tài chính, Cục An ninh mạng,… thông qua fanpage giả mạo có tích xanh, lượt theo dõi cao, nhận hỗ trợ xử lý thủ tục hành chính, lấy lại tiền bị lừa đảo,…
Giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như ăn uống, đặt phòng khách sạn, homestay trên không gian mạng: Bán hàng giả, hàng kém chất lượng; Yêu cầu chuyển khoản đặt cọc hoặc thanh toán tiền trước rồi chiếm đoạt.
Giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng: Hướng dẫn mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ; Hỗ trợ tra soát tiền vào – ra tài khoản cá nhân; Hỗ trợ lấy lại tiền chuyển khoản nhầm, tiền chuyển vào tài khoản lừa đảo
Giả danh đơn vị vận chuyển, người giao hàng: Đối tượng nhắm vào người thường xuyên vắng nhà, thực hiện gọi điện, nhắn tin thông báo đã giao hàng, yêu cầu người dân chuyển khoản trả tiền. Sau đó, đối tượng có thể sẽ thông báo người dân đã đưa nhầm số tài khoản đăng ký dịch vụ cho khách hàng, nếu không hủy thì tài khoản của khách hàng sẽ bị trừ một số tiền lớn hàng tháng.
Theo Agribank, thủ đoạn lừa đảo chung của kẻ gian là trực tiếp yêu cầu người dân chuyển khoản tiền: tiền hàng, tiền cọc, lệ phí, chi phí xử lý vụ việc,…sau đó chiếm đoạt.
Hoặc kẻ gian yêu cầu người dân truy cập vào đường link lạ, quét mã QR hoặc tải ứng dụng giả mạo; Kẻ gian yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân (số căn cước, ảnh chụp và video chân dung, 2 mặt Căn cước,…) và thông tin tài khoản ngân hàng ( số thẻ, mã CVV, số tài khoản, mã OTP,…). Từ những thông tin trên, kẻ gian có thể chiếm quyền sử dụng điện thoại, xâm nhập vào tài khoản của khách hàng nhằm chiếm đọa tài sản.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã cập nhật các thủ đoạn lừa đảo mới chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Theo VietinBank, các đối tượng lừa đảo đang sử dụng nhiều phương thức tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Trong đó có hành vi sử dụng tên đăng nhập dịch vụ Ngân hàng điện tử (NHĐT) của khách hàng để truy cập và cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần để tài khoản bị khóa. Sau đó, kẻ gian giả mạo nhân viên ngân hàng, liên hệ khách hàng qua điện thoại hoặc mạng xã hội, thông báo hỗ trợ mở khóa tài khoản. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng nhấp vào đường dẫn giả mạo, tải ứng dụng không chính thống và cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, thậm chí là video khuôn mặt.
Khi khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị, theo dõi từ xa, đánh cắp dữ liệu cá nhân, truy cập tài khoản ngân hàng, ví điện tử và thực hiện giao dịch trái phép để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng các tài khoản mạng xã hội bị kiểm soát để tiếp tục lừa đảo người quen của nạn nhân.
Vietcombank cũng mới phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng.
Một số cách thức lừa đảo phổ biến đang được các đối tượng thực hiện:
Liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.
Lập nick gây nhầm lẫn như “Nhân viên Ngân hàng”, “Hỗ trợ khách hàng… và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.
Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…
Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Từ thực trạng trên, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng:
Tuyệt đối KHÔNG truy cập đường link, quét mã QR hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc.
CẢNH GIÁC với các cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng, giáo viên, nhân viên cơ quan đăng kiểm,… yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ ngân hàng, mã OTP, hình ảnh hoặc video khuôn mặt.
KIỂM TRA KỸ các thông tin, lượt tương tác trước khi quyết định giao dịch hay chia sẻ thông tin cá nhân với các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
THƯỜNG XUYÊN cập nhật các kịch bản lừa đảo trên các trang báo chí, trang thông tin chính thống
Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.