Doanh số bán sầu riêng của quốc gia này tăng đột biến tại Trung Quốc do nhu cầu ngày càng tăng đối với trái cây chín tự nhiên.
Theo SCMP, những người trồng sầu riêng Malaysia dự kiến sẽ mở rộng thị phần tại Trung Quốc trong năm nay, nhờ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng địa phương đối với loại trái cây tươi, chín tự nhiên.
Các nhà chế biến thực phẩm và thương nhân cho biết vào ngày 18/4 rằng xuất khẩu sầu riêng của quốc gia Đông Nam Á này sang Trung Quốc đã tăng vọt kể từ đầu năm đến nay nhờ nguồn cung ổn định và hậu cần được cải thiện. Khác với các nhà cung cấp khác, sầu riêng Malaysia được chín cây tự nhiên, rụng và sau đó được người nông dân thu hoạch.
“Sầu riêng tươi, được vận chuyển đến Trung Quốc bằng đường hàng không trong vòng 48 giờ sau khi lấy hàng, được người tiêu dùng Trung Quốc giàu có đón nhận nồng nhiệt”, Guo Min, Phó giám đốc tiếp thị của công ty phân phối trái cây tươi Joy Wing Mau tại Trung Quốc cho biết.
“Các nhà cung cấp Malaysia của chúng tôi có thể tăng lượng xuất khẩu trái cây lên 30% trong năm nay, điều này phần lớn đã thúc đẩy sự tự tin của chúng tôi trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng tại đây”.
Vivian Wang, giám đốc tiếp thị tại Dole Asia Holdings, cũng đồng tình với quan điểm này.
“Sầu riêng tươi là một trong những loại trái cây tăng trưởng nhanh nhất được nhập khẩu vào Trung Quốc, tạo ra cơ hội lớn cho nông dân Malaysia.”
Những phát biểu này được đưa ra bên lề cuộc họp kết nối giữa các nhà cung cấp thực phẩm và nông sản quốc tế với các thương nhân Trung Quốc tại Thượng Hải, do Cục Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), một đơn vị thuộc Bộ Thương mại tổ chức.
Dự báo lạc quan của họ được đưa ra sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm đầu tiên tới Malaysia sau hơn một thập kỷ vào tuần trước, khi Bắc Kinh định vị mình là đối tác thương mại đáng tin cậy của Đông Nam Á.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, năm ngoái, Malaysia đã bắt đầu xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, vận chuyển 24,8 triệu ringgit (tương đương 5,6 triệu USD) trái cây cho đối tác thương mại lớn nhất của mình từ tháng 8 đến tháng 12.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy Thái Lan thống trị doanh số bán sầu riêng tại Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm 57% thị trường trị giá 6,99 tỷ USD. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai, chiếm 38% thị trường, tiếp theo là Philippines và Malaysia, cùng nhau đóng góp 38,2 triệu USD doanh số.
“Chúng tôi thấy thị trường thực phẩm và trái cây của Trung Quốc tăng trưởng ổn định”, Jiang Jianli, Giám đốc bộ phận hậu cần của Goodfarmer Fresh Fruit Trading, công ty chuyên xuất khẩu trái cây từ Philippines sang Trung Quốc, cho biết. “Trái cây nhập khẩu chất lượng cao, tốt cho sức khỏe của người dân vẫn có nhu cầu cao, mang đến cho chúng tôi cơ hội tăng trưởng hơn nữa”.
CIIE, sự kiện thường niên được khởi động vào năm 2018, được nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi là cơ hội tiếp thị hàng đầu. Bắc Kinh khuyến khích các công ty trong nước mua hàng hóa sản xuất ở nước ngoài như một cách thể hiện cam kết của Trung Quốc đối với thương mại tự do và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của mình.
Năm 2024, các thỏa thuận mua bán trị giá 80 tỷ USD đã được ký kết trong triển lãm kéo dài 6 ngày. Các giao dịch liên quan đến thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp là điểm sáng của hội chợ, phản ánh nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc về an ninh lương thực và dinh dưỡng.