Hội chứng Tics mà chàng trai Đinh Viết Tường mắc phải là gì?


Đoạn video chia sẻ của bạn trẻ Đinh Viết Tường tại 1 chương trình truyền hình có hội chứng lạ khiến nhiều người xúc động.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại tiết mục dự thi của thí sinh Đinh Viết Tường tại một chương trình truyền hình thực tế. Tường mắc hội chứng Tics – rối loạn thần kinh khiến cơ thể co giật và phát ra âm thanh không kiểm soát. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm, tự tin bước lên sân khấu để thể hiện niềm đam mê nghệ thuật.

Ngoài những bình luận tích cực, cảm phục tinh thần lạc quan và sự cố gắng của chàng trai, nhiều người còn bày tỏ sự quan tâm đến hội chứng này, có nguy hiểm hay không?

PGS-TS-BS Nguyễn Lê Trung Hiếu, Khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), giảng viên Bộ môn Thần kinh Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết rối loạn Tics là những cử động vận động hoặc âm thanh bất ngờ, nhanh, lặp lại và không có nhịp điệu, thường gặp ở trẻ em, gồm Tics đơn giản và Tics phức tạp.

Theo cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), rối loạn Tics được chia thành 3 thể lâm sàng chính: Rối loạn Tics tạm thời, rối loạn Tics mạn tính và rối loạn Tourette.

Rối loạn Tics ảnh hưởng đến trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn trên toàn thế giới. Một vài dạng Tics thường biểu hiện nhẹ, một số khác có thể gây rối loạn về tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và các hoạt động xã hội, học tập, công việc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò then chốt. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như căng thẳng tâm lý, các vấn đề xảy ra trong quá trình sinh nở, việc mẹ hút thuốc khi mang thai, cân nặng thấp khi sinh và sự tiếp xúc với hormone giới tính trong quá trình phát triển não cũng được cho là có thể góp phần vào sự khởi phát và tiến triển của rối loạn Tourette và các rối loạn Tics khác.

“Tics thường xảy ra trong độ tuổi từ 4-6 và thời gian có mức độ nghiêm trọng nhất trong độ tuổi từ 10-12. Rối loạn Tics thường xảy ra từng đợt và tăng giảm dần về tần số và cường độ theo thời gian” – PGS Hiếu thông tin.

Theo các chuyên gia, chưa có cách phòng ngừa cụ thể cho rối loạn Tics. Tuy nhiên, việc giảm căng thẳng và tạo môi trường sống lành mạnh có thể giúp người mắc hội chứng giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng. Hiện tại, đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả giúp kiểm soát và giảm đáng kể các triệu chứng Tics, cho phép người bệnh có một cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện những dấu hiệu trẻ mắc hội chứng Tics, cha mẹ cần đưa con đến khám ở các chuyên khoa và thực hiện xét nghiệm cũng như tư vấn hướng điều trị can thiệp phù hợp với từng trường hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *