Bà bầu 8 tháng chỉ hỏi ChatGPT một câu “cho vui”, nhưng “nó” yêu cầu cô đo huyết áp rồi đi bệnh viện gấp, nhờ thế mà cả cô và em bé trong bụng được cứu sống.
Natallia Tarrien (28 tuổi, sống tại South Carolina, Mỹ) vừa sinh con ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Nhờ sự tư vấn của công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT, cô thoát được khỏi tình huống nguy hiểm tính mạng.
Do cảm thấy hàm mình căng cứng lạ thường, Natallia Tarrien mở điện thoại gõ lệnh hỏi ChatGPT nhưng chỉ “hỏi cho vui” chứ không thực sự nghiêm túc. Cô đặt câu hỏi: “Tại sao hàm của tôi lại căng cứng?”. ChatGPT cảnh báo cô nên lập tức kiểm tra huyết áp của mình.
Lấy máy đo huyết áp, Tarrien kinh ngạc khi thấy các chỉ số đều cao một cách bất thường. Bà bầu gửi kết quả cho ChatGPT và “nó” hối thúc cô lập tức gọi xe cấp cứu đến bệnh viện.
Khi đến nơi, huyết áp của Tarrien đã tăng lên 200/146. Các bác sỹ vội vàng đưa cô vào phòng sinh. Họ nói cô rất may mắn vì đến bệnh viện kịp thời, chỉ chậm một lát nữa là có thể nguy hiểm tính mạng.
Tarrien được chẩn đoán mắc tiền sản giật, một dạng biến chứng thai sản có thể dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu không kịp điều trị. Sau khi sinh 5 ngày, tình trạng của cô vẫn không ổn định, huyết áp liên tục tăng cao.
Cô chia sẻ: “Tôi thậm chí còn mất thị lực trong một khoảng thời gian ngắn, đến mức không thể nhìn rõ mặt đứa con mới chào đời. Nhớ lại trải nghiệm tồi tệ vừa qua, tôi không khỏi cảm thấy rùng mình”.
Hiện tại, hai mẹ con đều đã an toàn và khỏe mạnh. Tarrien đăng tải lời cảm ơn ChatGPT lên Instagram: “Cảm ơn ChatGPT. Bạn đã cứu sống hai mạng người”.
Các bác sỹ cho biết, đôi khi một dấu hiệu nhỏ nhất cũng cho thấy cơ thể có điều bất ổn. Thai kỳ thường đi kèm với nhiều triệu chứng chưa bao giờ gặp, vì vậy các bà bầu cần liên hệ với trung tâm y tế ngay để được tư vấn nếu có dấu hiệu bất thường.
Đây không phải lần đầu tiên ChatGPT cứu nguy cho con người. Trước đó, một người đàn ông Mỹ tham khảo ý kiến của công cụ AI này vì cảm thấy mệt mỏi sau khi tập thể dục nặng. ChatGPT trả lời rằng có thể anh bị tiêu cơ vân, tình trạng nghiêm trọng dẫn đến suy thận. Người đàn ông nhập viện và phải điều trị một tuần. Hóa ra các diễn giải của ChatGPT giống hệt với kết quả khám tại bệnh viện.
Mặc dù những trường hợp trên cho thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo mọi người không nên sử dụng ChatGPT thay thế bác sỹ mà chỉ coi thông tin nó đưa ra là gợi ý để tham khảo. Khi cảm thấy bản thân không khỏe, nên chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa vì đó là giải pháp thay thế an toàn, đáng tin cậy hơn.