“Hàng khủng” của Mỹ vừa đến nơi, lập tức bị Trung Quốc hoàn trả: 1 nước ĐNÁ nhanh chóng chớp cơ hội vàng


Giữa bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang, hai món hàng giá trị từ Mỹ đã phải quay đầu trở về nơi sản xuất khi bị khách hàng Trung Quốc từ chối nhận.

Trung Quốc trả lại Mỹ 2 máy bay Boeing

Một chiếc máy bay Boeing, dự kiến sẽ được bàn giao cho một hãng hàng không Trung Quốc, đã quay trở lại Mỹ vào thứ Hai (21/4).

Theo dữ liệu từ trang web theo dõi chuyến bay AirNav Radar, chiếc Boeing 737 MAX 8 này đã cất cánh từ trung tâm hoàn thiện máy bay của Boeing tại Chu San, gần Thượng Hải (Trung Quốc) và sau đó hạ cánh tại lãnh thổ Guam (Mỹ).

Trước đó, một chiếc máy bay phản lực Boeing khác cũng đã bất ngờ quay trở lại Mỹ vào thứ Bảy (19/4), hạ cánh xuống sân bay của Boeing ở Seattle lúc 16h11 chiều (giờ địa phương).

Chiếc máy bay mang logo của Xiamen Airlines, đã dừng tiếp nhiên liệu tại Guam và Hawaii trong hành trình trở về dài khoảng 8.000 km. Đây là một trong số nhiều chiếc 737 MAX từng được đưa đến trung tâm hoàn thiện máy bay của Boeing tại Chu San để chuẩn bị cho việc bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ lý do cụ thể và bên nào đưa ra quyết định cho chiếc máy bay quay trở lại Mỹ. Cả Boeing lẫn Xiamen Airlines đều từ chối bình luận về sự việc.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang. Gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng mạnh mức thế cơ bản đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Trung Quốc lập tức đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ. Với mức thuế này, việc một hãng hàng không Trung Quốc nhận bàn giao một chiếc Boeing 737 MAX – vốn có giá trị thị trường khoảng 55 triệu USD – sẽ trở nên cực kỳ tốn kém.

Giới phân tích nhận định rằng, những thay đổi bất ngờ về chính sách thuế có thể khiến quá trình bàn giao máy bay mới rơi vào tình trạng trì hoãn hoặc bị hủy. Một số lãnh đạo các hãng hàng không cho biết họ sẵn sàng tạm hoãn nhận máy bay thay vì phải chịu các khoản thuế lớn như hiện nay.

Việc chiếc 737 MAX – dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing – phải quay đầu trở lại Mỹ là dấu hiệu cho thấy ngành hàng không vũ trụ đang gặp khó khăn do chính sách thuế và sự gián đoạn trong quy trình giao hàng, đặc biệt khi Boeing vẫn đang nỗ lực phục hồi sau lệnh cấm nhập khẩu kéo dài gần 5 năm đối với dòng máy bay này.

Một nước Đông Nam Á vào cuộc

Trước diễn biến trên, Tập đoàn Hàng không Malaysia (Malaysia Aviation Group – MAG), công ty mẹ của Malaysia Airlines, tiết lộ đang đàm phán với Boeing về khả năng tiếp nhận các suất giao máy bay nếu các hãng hàng không Trung Quốc ngừng nhận hàng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trao đổi với hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, Giám đốc điều hành MAG Izham Ismail cho biết nếu lịch bàn giao của Boeing trở nên linh hoạt hơn vì các đơn hàng bị hoãn từ Trung Quốc, MAG xem đây là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ nhận máy bay so với kế hoạch ban đầu.

“Chúng tôi đang làm việc với Boeing để xem liệu có thể tiếp quản các suất giao hàng bị bỏ trống hay không,” ông Ismail nói.

Hiện nay, các hãng hàng không toàn cầu đều đang thiếu máy bay mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch. Tuy nhiên, các hãng phải đối mặt với thời gian giao hàng kéo dài do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hoạt động sản xuất chậm lại tại Boeing.

MAG đang tích cực mở rộng và hiện đại hóa đội bay. Tập đoàn này đặt mục tiêu khai thác đội bay thân hẹp gồm 55 máy bay 737 MAX thế hệ mới vào năm 2030.

Tháng trước, MAG công bố kế hoạch mua 18 máy bay 737 MAX 8 và 12 chiếc 737 MAX 10, thậm chí mua thêm 30 chiếc nữa trong tương lai. Ngoài ra, tập đoàn cũng đã ký hợp đồng thuê 25 chiếc 737 MAX từ Air Lease Corp (AL.N) trong giai đoạn từ 2023 đến 2026.

Ông Ismail nhấn mạnh, nếu có thỏa thuận mới để tiếp nhận thêm máy bay từ các suất giao hàng bị bỏ trống, MAG sẽ không nằm trong hợp đồng hiện tại với Air Lease Corp. Trong trường hợp đó, MAG sẽ cần tìm đến thị trường vốn để huy động thêm nguồn tài chính phục vụ mua sắm.

 (Theo Reuters, Bernama)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *