Hai “ông lớn” thế giới rót 400 triệu USD cho 3 dự án, hàng triệu người Việt Nam được hưởng lợi


Việt Nam vừa có thêm các khoản vay và viện trợ, với tổng trị giá tương đương 400 triệu USD.

Mới đây, Việt Nam đã nhận được các khoản vay và viện trợ, với tổng trị giá tương đương 400 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong đó, Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương có số vốn tương đương 230,76 triệu USD vay của WB; Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, số vốn tương đương 107,67 triệu USD, vay của WB; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Quảng Trị (mỗi tỉnh vay vốn tương đương 39,711 triệu USD) của ADB.

Hai "ông lớn" thế giới rót 400 triệu USD cho 3 dự án, hàng triệu người Việt Nam được hưởng lợi - Ảnh 1.

Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương

Đây là dự án triển khai xây dựng hệ thống thu gom cống, nhà máy xử lý nhà thải cho TP.Tân Uyên và nâng cấp hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải cho hai thành phố Thuận An và Dĩ An. 

Với tổng vốn đầu tư lên tới 311 triệu USD – trong đó có 231 triệu USD từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) – dự án được triển khai nhằm tạo bước đột phá trong công tác quản lý nước thải tại ba đô thị lớn của tỉnh Bình Dương gồm Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên. Dự án bao phủ diện tích hơn 33.000 ha và phục vụ cho khoảng 1,4 triệu người dân.

Hiện nay, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, với mức độ bao phủ còn rất thấp. Thông qua việc đầu tư quy mô lớn, dự án kỳ vọng sẽ mở rộng đáng kể năng lực xử lý nước thải, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 550.000 cư dân tại Bình Dương vào năm 2032.

Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là nâng tỷ lệ nước thải được xử lý: tại Tân Uyên, con số này sẽ tăng từ mức dưới 10% lên 32%; còn tại Thuận An và Dĩ An, tỷ lệ sẽ tăng từ khoảng 17-19% lên 45%. Việc cải thiện hệ thống xử lý nước thải ở các đô thị đông dân này có vai trò thiết yếu trong việc giảm thiểu ô nhiễm cho các con sông chính như sông Sài Gòn và Đồng Nai.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật hiện đại, dự án còn được thiết kế để thích ứng với các biến đổi khí hậu trong tương lai. Hệ thống hạ tầng hướng đến sự bền vững, có khả năng chống chịu và linh hoạt, đồng thời áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường như tiết kiệm năng lượng và cắt giảm khí thải nhà kính.

Dự án cũng tích hợp các yếu tố của mô hình kinh tế tuần hoàn, đề cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ví dụ, việc lắp đặt đèn LED và hệ thống điện mặt trời sẽ giúp giảm tiêu thụ điện năng, trong khi tái sử dụng bùn và nước thải sau xử lý sẽ góp phần quản lý tài nguyên theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường hơn.

Bà Maria Angelica SotoMayor – Giám đốc thực hành nước của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương từng đánh giá dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh, bền vững của tỉnh Bình Dương. WB sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và giám sát tiến độ dự án. 

Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam

Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án hạ tầng đường thủy này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 04/8/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam”. 

Tổng mức đầu tư của dự án là 168,795 triệu USD (tương đương 3.901,377 tỷ đồng) sử dụng vốn vay WB và khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Dự án bao gồm công trình cải tạo hai hành lang đường thủy phía Nam. Cụ thể: Hành lang đông tây sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24 h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông; và hành lang bắc nam sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Dự án có thời gian thực hiện là 5 năm kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền bố trí vốn (từ năm 2023 đến hết năm 2027). Địa điểm thực hiện dự án là các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai với dân số hàng triệu người. 

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào, từng cho biết: Các tuyến đường thủy phía Nam của Việt Nam có tiềm năng to lớn trở thành giải pháp giao thông rẻ hơn, xanh hơn và an toàn hơn. Do đó, Dự án trực tiếp hỗ trợ các mục tiêu: tăng cường khả năng cạnh tranh của vận tải đường thủy nội địa, giảm lượng khí thải carbon trong ngành vận tải và nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại.

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Quảng Trị

Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân tộc thiểu số – Dự án thành phần tỉnh Phú Yên và Quảng Trị sẽ nâng cấp khoảng 133 km đường huyện và xã theo tiêu chuẩn chống chịu biến đổi khí hậu, xây dựng và nâng cấp hạ tầng cấp nước nông thôn, và cung cấp dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy hỗ trợ cảnh báo sớm và ứng phó thiên tai. Khoảng 363.000 người, bao gồm 187.000 đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty nhận định: Dự án này là một bước tiến quan trọng hướng tới nâng cao khả năng chống chịu và tính bao trùm của cơ sở hạ tầng nông thôn tại khu vực ven biển miền trung Việt Nam. Dự án sẽ không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng dân tộc thiểu số, mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững cho khu vực.

Gói hỗ trợ tài chính cho dự án bao gồm khoản vay trị giá 59 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và 1 triệu USD viện trợ không hoàn lại do Quỹ Công nghệ cao của ADB tài trợ. Nguồn viện trợ này sẽ được sử dụng để triển khai các hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu, phục vụ công tác quản lý rủi ro liên quan đến thiên tai và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết góp phần với nguồn vốn đối ứng là 19,74 triệu USD.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đạt 7,1% trong năm 2024, nhưng sự chênh lệch phát triển giữa các khu vực vẫn còn rõ rệt. Các huyện ven biển đang phát triển nhanh với tiềm lực kinh tế vững vàng, trong khi nhiều huyện miền núi, nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Đặc biệt, những khu vực vùng cao này vẫn thiếu các hệ thống giao thông đồng bộ và hạ tầng cấp nước còn yếu kém. Thêm vào đó, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ quét, hạn hán kéo dài và bão lớn ngày càng tăng, làm trầm trọng thêm các rủi ro cho đời sống người dân, đồng thời đẩy chi phí phục hồi và thích ứng lên cao. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết một phần các vấn đề cấp bách này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *