Giá vàng tăng chóng mặt, cô gái quyết định rút 2,2 tỷ đồng làm 1 việc nhưng dân mạng hết sức can ngăn


Sau nhiều lần chần chừ việc mua vàng vì thấy giá vàng khá cao, đến ngày hôm nay, cô cho biết “giờ em đang ở ngân hàng rồi”.

Biến động giá vàng trong những ngày vừa qua, đặc biệt là một tuần gần đây, quả thực khiến nhiều người choáng váng. Tính đến ngày 17/4, giá vàng đã lên tới ngưỡng 120 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh này, câu hỏi “liệu có nên mua vàng bây giờ không?” lại trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng không ít người mạnh dạn vét sạch tiền để mua vàng, bất chấp giá vàng đang ở thời kỳ “đỉnh cao”.

Cô gái trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.

Rút 2 sổ tiết kiệm được 2,2 tỷ đồng để mua vàng

Nguyên văn chia sẻ của cô gái này như sau: “Vàng lên cao quá các bác ơi, em quyết đi rút sổ tiết kiệm 900 triệu và 1,3 tỷ về mua xem sao! Nhìn mọi người cứ đăng vàng tăng em xót ruột lắm rồi! Tiền này đến tháng 9 năm nay em mới cần dùng! Em thấy em cứ chần chừ là vàng tăng, nên lần này em đang ngồi ở ngân hàng rồi!”.

Trong phần bình luận của bài đăng này, có khá nhiều ý kiến trái chiều. Có người ra sức can “cứ bình tĩnh”, có người khẳng định “mua lúc này là dở”, cũng có người ủng hộ “có tiền thì cứ mua thôi”.

“Tâm thế bạn chưa vững vàng thì giờ mua xong cũng nhấp nhổm không yên được đâu, tăng thì mừng mà giảm thì lại tiếc. Giờ tháng 4, còn 5 tháng nữa là đến lúc bạn cần dùng khoản tiền ấy thì tốt nhất để số tiền ấy yên. Mình là người ngại rủi ro nên mình nghĩ vậy…” – Một người chia sẻ quan điểm.

“Mua vàng mà giữ có 5 tháng rồi bán đi thì là đầu cơ rồi, không nên đầu cơ vàng đâu mình nói thật” – Một người khác khuyên.

“Nếu đến tháng 9 mới cần dùng tiền thì mua vàng tích trữ lúc này là hợp lý nếu xác định:

– Không lướt sóng, chấp nhận giữ đến khi bán ra có lãi thực sự

– Chọn vàng chuẩn 9999 (vàng nhẫn hoặc miếng SJC)

– Mua ở nhiều đợt (chia vốn ra mua dần) để giảm rủi ro đu đỉnh

Nhớ:

– Không vay tiền để mua

– Theo dõi sát giá mua – bán chênh lệch

– Cất giữ an toàn (ngân hàng giữ hộ hoặc két sắt cá nhân an toàn)

Chốt lại: 900 triệu + 1,3 tỷ là khoản lớn, bạn đang hành động đúng nếu đã cân nhắc kỹ, đặc biệt là không cần gấp trước tháng 9. Chúc bạn giữ vững tinh thần vì vàng không dành cho người yếu tim” – Một người khác động viên.

Một sai lầm “chí mạng” phải tránh tuyệt đối khi mua vàng!

Gerard Do – Chuyên gia đầu tư, đồng thời là tác giả cuốn sách “Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư” cho rằng về bản chất, vàng là một kênh trú ẩn chứ không hẳn là một kênh đầu tư.

Việc phân biệt rõ đây là kênh trú ẩn hay kênh đầu tư ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ và quyết định của mọi người trong việc mua vàng, giữ vàng hoặc bán vàng.

“Giả sử bạn mua vàng ở thời điểm giá vàng là 58 triệu đồng/lượng, đến giờ, khi giá vàng đã lên tới 100 triệu đồng/lượng, nghĩa là bạn đang có lời. Nếu tư duy theo cách này, vàng đúng là một kênh đầu tư.

Tuy nhiên, nếu xét trên nhiều khía cạnh khác, ngoài việc lời – lỗ, vàng có thể sẽ là một kênh trú ẩn, hơn là một kênh đầu tư.

Bây giờ bạn dùng số tiền mua 1 chỉ vàng để mua 100 cổ phiếu của doanh nghiệp A – Tôi giả sử mức lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp này là 10 triệu đồng. 1 năm sau, lợi nhuận của họ tăng lên thành 15 triệu đồng. 100 cổ phiếu của doanh nghiệp 15 triệu sẽ rất khác 100 cổ phiếu của doanh nghiệp 10 triệu. Giá trị tăng lên rõ ràng.

Nhưng nếu bây giờ bạn mua 1 chỉ vàng, 1 năm sau nó vẫn chỉ là 1 chỉ vàng mà thôi.

Khi nền kinh tế gặp bất ổn, khủng hoảng, đồng tiền mất giá, nhiều người sẽ mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Tôi cho rằng điều này không đúng với tính chất của đầu tư. Đầu tư là việc bạn bỏ ra một số vốn và đặt kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi giá trị khoản đầu tư của mình tăng trưởng theo tốc độ phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Còn vàng là thứ bạn mua khi nền kinh tế gặp bất ổn và bạn lo sợ tài sản của mình có thể sẽ mất giá.

Một bên là đầu tư với kỳ vọng tăng trưởng tiền vốn, một bên là chuyển đổi tài sản để bảo toàn giá trị. Đây là hai đặc tính để phân biệt kênh trú ẩn và kênh đầu tư” – Anh Gerard Do giải thích.

Khẳng định vàng là kênh trú ẩn, nên anh Gerard Do cũng nhấn mạnh một điều rất quan trọng: Mua vàng tích sản thì được, chứ đừng bao giờ mua vàng với tư duy đầu cơ – nghĩa là mua vào rồi bán ra để “ăn” phần chênh giá.

“Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.

Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn” – Anh Gerard Do nhấn mạnh.

Phải nhớ: Không bao giờ được “bỏ hết trứng vào một giỏ”!

Trong thế giới đầu tư đầy biến động, việc xây dựng một danh mục đầu tư vững chắc và hiệu quả luôn là mục tiêu hàng đầu của mọi nhà đầu tư, từ những người mới bắt đầu đến các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Giữa vô vàn chiến lược, đa dạng hóa danh mục đầu tư nổi lên như một nguyên tắc cốt lõi, một “chiếc ô” che chắn hiệu quả trước những cơn gió ngược của thị trường.

Vậy, điều gì khiến đa dạng hóa trở thành “kim chỉ nam” không thể thiếu trong đầu tư?

Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro. Đây có lẽ là lý do kinh điển và dễ hiểu nhất. Thị trường tài chính luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ, những biến động khó lường có thể tác động tiêu cực đến một loại tài sản cụ thể hoặc một ngành nghề nhất định. Nếu toàn bộ vốn của bạn tập trung vào một vài cổ phiếu hoặc một loại tài sản duy nhất, một sự kiện bất lợi có thể gây ra tổn thất nặng nề. Ngược lại, khi bạn phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, sự sụt giảm của một tài sản có thể được bù đắp bởi sự tăng trưởng hoặc sự ổn định của các tài sản khác. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro tổng thể cho danh mục đầu tư của bạn.

Thứ hai, nắm bắt cơ hội tăng trưởng từ nhiều nguồn khác nhau. Không một loại tài sản nào có thể duy trì hiệu suất vượt trội mãi mãi. Các giai đoạn tăng trưởng và suy thoái thường luân phiên giữa các thị trường và các ngành nghề. Bằng cách đa dạng hóa, bạn có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng của nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, trong giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh, trái phiếu hoặc các tài sản trú ẩn an toàn như vàng có thể trở thành “bến đỗ” an toàn, bảo toàn vốn và thậm chí mang lại lợi nhuận ổn định.

Thứ ba, tối ưu hóa tỷ suất lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro. Mục tiêu cuối cùng của đầu tư không chỉ là đạt được lợi nhuận cao nhất mà còn là đạt được lợi nhuận tương xứng với mức độ rủi ro bạn chấp nhận. Một danh mục đầu tư quá tập trung có thể mang lại lợi nhuận cao trong một giai đoạn nhất định, nhưng đi kèm với đó là rủi ro thua lỗ lớn hơn nhiều. Đa dạng hóa giúp bạn xây dựng một danh mục cân bằng hơn, nơi bạn có thể đạt được mức lợi nhuận ổn định và bền vững hơn so với mức độ rủi ro bạn gánh chịu. Các loại tài sản khác nhau thường có mối tương quan lợi nhuận khác nhau, thậm chí là tương quan nghịch. Việc kết hợp các tài sản này một cách thông minh có thể giúp giảm thiểu biến động của danh mục mà không làm giảm đáng kể lợi nhuận kỳ vọng.

Cuối cùng, đa dạng hóa giúp nhà đầu tư ngủ ngon hơn. Tâm lý là một yếu tố quan trọng trong đầu tư. Một danh mục quá rủi ro có thể khiến bạn lo lắng và đưa ra những quyết định sai lầm dưới áp lực của thị trường. Khi bạn biết rằng tài sản của mình được phân bổ một cách hợp lý và rủi ro đã được kiểm soát, bạn sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong hành trình đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, đa dạng hóa không có nghĩa là đầu tư vào càng nhiều loại tài sản càng tốt. Điều quan trọng là phải hiểu rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro và thời gian đầu tư của bạn để xây dựng một danh mục đa dạng hóa phù hợp. Việc lựa chọn các loại tài sản có mối tương quan thấp hoặc thậm chí âm là yếu tố then chốt để đạt được hiệu quả đa dạng hóa tối ưu.

Ngọc Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *