Việc sử dụng sữa giả không những không đem lại hiệu quả như quảng cáo mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.
Gần đây, thông tin 573 nhãn hiệu sữa bị làm giả khiến hàng triệu cha mẹ hoang mang. Đáng lo hơn là trong số đó có nhiều sản phẩm dành riêng cho trẻ sinh non, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Hậu quả không chỉ dừng lại ở niềm tin bị đánh cắp, mà còn là di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ nếu cha mẹ thiếu kiến thức phân biệt thật – giả.
Niềm tin bị lợi dụng trong “ma trận” sữa giả
Hiện nay, nhiều nhãn sữa trên thị trường đang lợi dụng tâm lý muốn con thông minh, cao lớn và tăng cân nhanh của các bậc cha mẹ bằng những thông điệp quảng cáo hấp dẫn trên khắp phương tiện truyền thông đại chúng.
Để đạt mục tiêu doanh số, các nhãn hàng đã thổi phồng lợi ích của sản phẩm như: tổ yến cải thiện biếng ăn, óc chó giúp phát triển não bộ, canxi nano giúp trẻ cao 5-7cm mỗi tháng, đông trùng hạ thảo tăng cường đề kháng… Những lời quảng cáo thiếu căn cứ khoa học trực tiếp đánh vào cảm xúc người tiêu dùng – nơi niềm tin đôi khi lấn át cả lý trí.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít sản phẩm trong số đó không hề chứa các thành phần như quảng cáo hoặc hàm lượng thấp hơn trên nhãn. Nguy hiểm hơn, tổ yến, đông trùng hạ thảo được quảng cáo lại là thành phần giả, kém chất lượng.
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Giảng viên Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: “Không có loại sữa nào giúp trẻ cao 5 – 7cm chỉ trong một tháng. Tăng trưởng chiều cao là quá trình lâu dài, phụ thuộc 23% vào gene, chế độ ăn uống chiếm 32%, còn lại 16% vào giấc ngủ và 20% vận động thể chất”.
Sữa giả – Hậu quả khôn lường
Việc sử dụng sữa giả không những không đem lại hiệu quả như quảng cáo mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Bác sĩ Nghĩa cảnh báo cha mẹ:
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, có hệ tiêu hóa và miễn dịch chưa hoàn thiện. Khi sử dụng sữa giả hoặc kém chất lượng, trẻ dễ gặp phải các phản ứng như nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng, nổi mẩn đỏ, nguy cơ ngộ độc như: co giật, sốt cao, mất nước, thậm chí là nhập viện.
Một số loại sữa giả có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm do quá trình sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn, gây tổn thương đường ruột. Ngoài ra, một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, có thể chứa hàm lượng kim loại nặng, chất tạo màu, chất tạo ngọt vượt mức cho phép – gây ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận và sự phát triển thần kinh của trẻ.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sau thời gian dài sử dụng sữa giá rẻ, không rõ nguồn gốc do cha mẹ tin vào lời giới thiệu “sữa nội địa giá mềm nhưng chất lượng cao”.

Nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất (Ảnh: VTV).
Chuyên gia tiết lộ cách chọn sữa chất lượng
Giữa một thị trường “vàng thau lẫn lộn”, việc phân biệt sữa thật – giả là một thách thức không hề nhỏ đối với cha mẹ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, cha mẹ có thể căn cứ vào 4 nguyên tắc sau để lựa chọn sữa chất lượng.
Lựa chọn sản phẩm có thương hiệu
Nếu có điều kiện, cha mẹ nên chọn sữa của các thương hiệu lớn, đã có mặt nhiều năm trên thị trường. Tuy nhiên, thương hiệu lớn đồng nghĩa với giá thành cao. Trong khi, lựa chọn sữa còn phải phù hợp với cơ địa của trẻ. Vì vậy, cha mẹ có thể lựa chọn các thương hiệu có “tuổi đời” từ 3 – 5 năm trở lên với dòng sữa tối ưu cho nhu cầu cụ thể của trẻ.
Lý giải về con số từ 3 – 5 năm trở lên thì theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những chiêu trò của các công ty làm ăn chộp giật là hình thức “đánh nhanh xóa nhanh”. Các nhãn sữa mới được lập ra liên tục, sau 2 – 3 năm chạy quảng cáo thật mạnh, thu về lợi nhuận khủng sẽ xóa sổ. Đó là lý do vì sao xuất hiện con số khổng lồ – 573 nhãn sữa giả bị vạch trần trong thời gian vừa qua.
Mua hàng tại địa chỉ uy tín
Hiện nay, sữa giả đã len lỏi vào mọi ngóc ngách từ online đến offline. Để không bị lạc lối giữa “ma trận” sữa giả, cha mẹ nên đến các địa chỉ uy tín như: nhà thuốc, siêu thị lớn, cửa hàng mẹ bé, đại lý phân phối chính thức hoặc các trang bán hàng chính hãng của nhà sản xuất. Tránh mua qua các kênh trôi nổi, không rõ người bán, đặc biệt là mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử.
Kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì
Trước khi mua sữa cho con, cha mẹ cần kiểm tra kỹ tem nhãn, tên sản phẩm, địa chỉ, số điện thoại, lô sản xuất. Có mã QR hoặc tem chống hàng giả, khi quét có thể truy xuất nguồn gốc và kiểm định chất lượng.
Bao bì sữa thật được in rõ nét, không mờ nhòe, không bong tróc. Nắp lon, seal, hộp đựng được đóng kín, không móp méo, không rỉ sét. Trên nhãn đầy đủ thông tin về thành phần, hàm lượng, công dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Nếu là sữa nhập khẩu, phải có nhãn phụ tiếng Việt, tên đơn vị nhập khẩu và phân phối.
Tránh sản phẩm có chiến lược quảng bá dồn dập
Hiện nay, nhiều cha mẹ có thói quen mua sữa cho con trên các nền tảng mạng xã hội theo lời quảng cáo của các KOL, KOC. Tuy nhiên, cần đặc biệt cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo rầm rộ, tiếp cận cha mẹ theo hình thức “gõ cửa từng nhà” hay tặng quà miễn phí, thường có mục tiêu doanh số cao, dễ đánh đổi chất lượng.
Để cạnh tranh với các thương hiệu sữa uy tín, giá thành cao, các sản phẩm này thường tập trung ngân sách lớn vào quảng cáo, trong khi hạ thấp chi phí sản xuất. Vì vậy, cha mẹ nên lựa chọn những thương hiệu phát triển bền vững, đầu tư vào nghiên cứu – đào tạo đội ngũ chuyên môn – hệ thống phân phối rõ ràng, chứ không chỉ đơn thuần là quảng bá.
Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh: “Giữa một rừng sản phẩm sữa bột trên thị trường, điều cha mẹ cần không phải là một sản phẩm “thần kỳ” có thể giúp con cao nhanh, thông minh tức thì, mà là kiến thức nền vững chắc để đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp”.
Hãy là những người tiêu dùng thông thái, đừng trao gửi niềm tin, sức khỏe và tương lai của con cho những lời mời chào chưa được kiểm chứng. Trước khi mua bất kỳ loại sữa nào, cha mẹ hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ thông tin, xác minh nguồn gốc, và quan trọng nhất: lắng nghe cơ thể con thay vì những lời quảng cáo ngọt ngào.