Đấu trường mới trong cạnh tranh Trung – Ấn xuất hiện ở Thái Lan: Thế lực thứ ba nắm “Át chủ bài” lộ diện


Với chi phí ước tính khoảng 36 tỷ USD, dự án cầu đường bộ của Thái Lan mang tính chiến lược về mặt kinh tế, nhưng tầm quan trọng về địa chính trị của nó còn lớn hơn nhiều.

Trong một bài viết đăng tải vào tuần trước trên tạp chí Think China (Singapore), học giả Hao Nan của Học hội Charhar (Trung Quốc) nhận định, mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đang tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược về dự án cầu đất liền của Thái Lan, nhưng một thế lực thầm lặng hơn có thể định hình quỹ đạo của dự án: các nước thứ ba có vốn và trung lập.

Think China đưa tin, vào ngày 3/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Bangkok để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Bengal về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Đa ngành (BIMSTEC) lần thứ 6. Nhưng ngoài các hoạt động đa phương, chuyến thăm Thái Lan của ông Modi còn bao gồm một chương trình nghị sự chiến lược sâu sắc hơn: thể hiện mong muốn của New Delhi trong việc tham gia phát triển dự án cầu đất liền đầy tham vọng của Thái Lan, dự án mà Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra được cho là đã trình bày với người đồng cấp Ấn Độ.

Theo học giả Hao Nan, dự án cầu đất liền của Thái Lan không đơn thuần là về cơ sở hạ tầng, mà còn là về tầm ảnh hưởng. Với việc Trung Quốc đã để mắt đến dự án như một tuyến đường thay thế Eo biển Malacca thường xuyên có tàu tuần tra của Mỹ, một đấu trường mới cho sự cạnh tranh Trung – Ấn đã xuất hiện. Nhưng trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt này, các quốc gia bên thứ ba như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có thể nắm giữ “Át chủ bài”.

Một giải pháp thay thế chiến lược cho tuyến đường thương mại Đông – Tây

Theo kế hoạch, dự án cầu đất liền sẽ tạo ra một hành lang dài 90 km nối các cảng của Thái Lan ở tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với tỉnh Ranong trên Biển Andaman. Bằng cách bỏ qua Eo biển Malacca thường xuyên tắc nghẽn — nơi có hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua, cây cầu đất liền này cung cấp một giải pháp thay thế chiến lược cho tuyến đường thương mại Đông – Tây, dự kiến sẽ giảm thời gian di chuyển của tàu trung bình 4 ngày và cắt giảm chi phí vận chuyển 15%, mặc dù có thể có những rào cản về mặt kỹ thuật và vận hành để hiện thực hóa kỳ vọng.

Với chi phí ước tính khoảng 36 tỷ USD, dự án hứa hẹn sẽ tạo ra 280.000 việc làm mới và có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của Thái Lan 1,5%. Tuy nhiên, mặc dù tuyến đường này mang tính chiến lược về mặt kinh tế, nhưng tầm quan trọng về địa chính trị của nó còn lớn hơn nhiều.

Đối với Trung Quốc, cây cầu đất liền này là giải pháp cho “Thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca” của họ với nỗi lo rằng trong một kịch bản xung đột, Mỹ hoặc các đồng minh có thể làm nghẽn dòng chảy năng lượng của Trung Quốc tại Eo biển Malacca.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh đã hỗ trợ các hành lang thay thế như cảng Kyaukpyu của Myanmar và Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, nhưng một cây cầu trên bộ ở Thái Lan kết nối với các tỉnh phía tây nam của Trung Quốc qua Lào sẽ là một bước ngoặt.

Hồi tháng 5/2024, các phái đoàn Trung Quốc đã đến thăm Ranong và Chumphon, thể hiện sự quan tâm rõ ràng. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn thận trọng, và đã trở nên chọn lọc hơn với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài sau những dự án gặp vấn đề ở nhiều nơi.

Mặt khác, học giả Hao Nan nhận định, Ấn Độ coi cầu đất liền là mối đe dọa tiềm tàng đối với quyền kiểm soát chiến lược của mình tại Ấn Độ Dương. Với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại các cảng trên khắp Nam Á — từ Gwadar ở Pakistan đến Hambantota ở Sri Lanka — nỗi lo Ấn Độ bị “bao vây” là có thật.

Những động thái gần đây của New Delhi nhằm thu hút Thái Lan và tìm kiếm cơ hội tham gia dự án cầu đất liền cho thấy mong muốn làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh và khẳng định tầm nhìn của riêng New Delhi về kết nối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nước thứ ba được hưởng lợi?

Tuy nhiên, theo học giả Hao Nan, bất chấp mọi sự tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ, một thế lực thầm lặng hơn có thể định hình quỹ đạo của dự án: các nước thứ ba có vốn và trung lập. Thông qua gã khổng lồ hậu cần toàn cầu DP World – đơn vị khai thác cảng container lớn thứ ba thế giới, UAE đã tiến hành khảo sát tại Thái Lan và bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư.

Không giống như Trung Quốc hay Ấn Độ, UAE không được coi là mối đe dọa chiến lược, mang lại cho nước này lợi thế độc nhất trong việc điều hướng các vấn đề nhạy cảm về địa chính trị. Hơn nữa, nguồn tài chính dồi dào, sự ổn định được nhà nước hậu thuẫn và sự hiện diện ngày càng tăng ở khu vực hậu cần Nam và Đông Nam Á khiến nước này trở thành một đối tác đáng tin cậy.

Thái Lan cũng nhận thức được nguy cơ của việc quá phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào, nên đã tích cực tìm cách đa dạng hóa nguồn tài trợ. Ngoài Ả Rập Xê Út và UAE, Nhật Bản và các nhà đầu tư phương Tây đang được chào đón tại Thái Lan để hình thành quan hệ đối tác công – tư. Một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 300 tỷ baht (9 tỷ USD) đã được Thái Lan công bố hồi tháng 9/2024 để thu hút vốn toàn cầu và phòng ngừa rủi ro địa chính trị.

Học giả Hao Nan nhận định, cách tiếp cận đa dạng này không chỉ nâng cao tính khả thi của dự án mà còn cho phép Bangkok tận dụng các thế lực cạnh tranh để có lợi cho mình.

Sự tham gia có thể có của UAE không chỉ mang tính cơ hội, mà còn phù hợp với chiến lược địa kinh tế rộng lớn hơn của nước này. Là một phần trong chính sách “Hướng Đông”, UAE đã đầu tư mạnh vào các cảng, hậu cần và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trải dài từ Biển Đỏ đến Đông Nam Á.

DP World hiện đang vận hành các cảng ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng cổ phần trong dự án cầu đất liền của Thái Lan sẽ giúp UAE có đòn bẩy trong việc kết nối các thị trường năng lượng vùng Vịnh với các trung tâm sản xuất Đông Á, bỏ qua các điểm nghẽn và giảm thiểu rủi ro từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Hơn nữa, sự tham gia của UAE có thể đóng vai trò như một vùng đệm ổn định. Sự hiện diện của một nhà đầu tư bên thứ ba trung lập có thể giúp xoa dịu mối quan ngại của người dân địa phương ở Thái Lan về việc dự án trở thành “quân cờ” trong trò chơi của các cường quốc. Các nhóm xã hội dân sự đã phản đối tình trạng suy thoái môi trường tiềm ẩn và thiếu minh bạch xung quanh quá trình phát triển cầu đất liền.

Các nhà đầu tư của các nước thứ ba như UAE, với ít ràng buộc về địa chính trị hơn, có thể mang lại cho Thái Lan quyền tự chủ lớn hơn trong việc giải quyết những mối quan ngại trong nước này.

Các trung tâm khác trong khu vực có thể hiệu quả hơn

Tuy nhiên, theo học giả Hao Nan, vẫn còn nhiều thách thức. Các trung tâm khác trong khu vực đang cạnh tranh với dự án cầu đường bộ của Thái Lan — chẳng hạn như Cảng Tuas của Singapore và Cảng Klang của Malaysia — đang mở rộng nhanh chóng và vẫn có thể cung cấp các tuyến đường hiệu quả hơn cho hoạt động vận chuyển toàn cầu.

Ngoài ra, những rào cản về mặt hậu cần trong việc phối hợp vận chuyển đường bộ và đường biển, cùng với các đánh giá tác động môi trường chưa được giải quyết, có thể làm chậm tiến độ dự án cầu đường bộ này.

Tuy nhiên, với việc thương mại toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước các cú sốc địa chính trị, việc tạo ra các lựa chọn dự phòng và đa dạng hóa là những yêu cầu cấp thiết mới. Điều này làm cho dự án cầu đất liền của Thái Lan trở nên hấp dẫn hơn.

(Theo Think China)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *