Còi tàu vang, “kho vàng” mở: Việt Nam mở khóa siêu huyết mạch 200.000 tỷ đồng, “viết” lại bản đồ vận tải Á – Âu


Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dài khoảng 390,9 km, tốc độ thiết kế 160 km/giờ, sau khi hoàn thành được kỳ vọng trở thành động mạch hậu cần kết nối Trung Quốc và ASEAN.

Mới đây, chia sẻ trên Báo điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam – Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, Đồng Đăng – Hà Nội trong năm 2026, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa. 

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, 3 dự án đường sắt nối Việt Nam – Trung Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ với kỳ vọng các dự án này sẽ trở thành những công trình mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước.

Đường sắt Việt Nam – Trung Quốc: Kết nối tiêu chuẩn là kết nối thế giới

Tuyến đường sắt giữa hai nước đã có lịch sử hàng trăm năm. Ngay từ năm 1910, tuyến đường sắt khổ hẹp 1.000mm từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Hải Phòng đã thông xe, được gọi là Đường sắt Hải Phòng – Vân Nam. Đây là tuyến đường sắt xuyên biên giới đầu tiên của Trung Quốc và vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay.

Vào tháng 11/2017, tuyến tàu chuyên container lạnh chở hàng Việt Nam-Trung Quốc, chuyên tuyến Nam Ninh – Yên Viên, lần đầu tiên được khai trương, mở ra kênh vận tải và hậu cần mới. 

Tuy nhiên, các tuyến đường sắt xuyên biên giới thường gặp phải vấn đề về khổ đường ray và tuyến đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Đường sắt Trung Quốc ngày nay chủ yếu sử dụng khổ đường ray tiêu chuẩn 1.435 mm, trong khi đường sắt Việt Nam chủ yếu sử dụng khổ đường ray 1.000 mm.

Do chênh lệch khổ đường ray, tàu chở hàng phải dừng và đổi đường ray tại các cửa khẩu biên giới, không chỉ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vận chuyển mà còn phát sinh thêm chi phí.

“Trước đây, đường sắt Việt Nam – Trung Quốc có khổ đường ray khác nhau, rất phiền phức khi phải đổi tàu qua biên giới; giờ đây chúng sẽ được kết nối trực tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển sẽ đạt gần 400 triệu tấn vào năm 2050 và thời gian vận chuyển sẽ được rút ngắn hơn 7 ngày”, ông Trịnh Vũ Long, Giảng viên Học viện Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang (Trung Quốc) nói.

Còn theo ông Triệu Vệ Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc và các quốc gia láng giềng thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc), mặc dù ba dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới đều là các tuyến nhánh của Việt Nam nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, bởi đây là bước đầu tiên trong hợp tác Việt-Trung nhằm xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn.

Tuyến đường sắt chính Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dài khoảng 390,9 km, tốc độ thiết kế 160 km/giờ. Sau khi hoàn thành, đến năm 2050 năng lực vận chuyển hàng hóa hàng năm của tuyến đường sắt này sẽ tăng từ 4,1 triệu tấn của tuyến đường sắt khổ hẹp hiện tại lên 397 triệu tấn, lượng hành khách sẽ tăng từ 3,8 triệu lên 334 triệu, trở thành động mạch hậu cần kết nối Trung Quốc và ASEAN.

Ông Triệu Vệ Hoa đã nhiều lần đến Việt Nam để nghiên cứu và điều tra trong những năm gần đây. Ông nói, ba dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng và Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng thực chất bao phủ toàn bộ vùng kinh tế Đông Bắc Việt Nam giáp với Trung Quốc. Trong tương lai, chúng cũng có thể lan tỏa đến các khu vực phía Nam Hà Nội thông qua thủ đô Hà Nội, để các khu vực rộng lớn hơn của Việt Nam có thể hưởng lợi từ kết nối đường sắt Việt Nam-Trung Quốc.

Người phụ trách Dự án Việt Nam tại Viện Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc Nhiếp Tuệ Tuệ nói rằng, tuyến đường sắt Việt Nam – Trung Quốc là một phần quan trọng của tàu đường sắt Trung Quốc-châu Âu. 

Tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, khi đi về phía Bắc có thể kết nối với tuyến đường sắt  Trung Quốc – châu Âu qua Hành lang đất liền-biển phía Tây mới và khi xuôi về phía Nam có thể vươn ra biển thông qua các cảng biển Việt Nam; qua đó thúc đẩy hơn nữa sự kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như sự kết nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, Việt Nam và châu Âu và Trung Á.

Còi tàu vang lên, “kho vàng” mở ra

Ngoại trừ một phần hoạt động thương mại với Trung Quốc và Liên minh châu Âu được thực hiện qua đường bộ, phần lớn giao thương của Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác vẫn hoàn toàn dựa vào vận tải đường biển.

Mặc dù chi phí vận chuyển đường biển tương đối thấp nhưng lại có vấn đề là tốc độ quá chậm. Theo số liệu do Bộ Giao thông Vận tải công bố, thường mất hơn 50 ngày để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam bằng đường biển đến các cảng châu Âu như Hamburg hay Amsterdam. Tuy nhiên, nhiều loại hàng hóa không có “thời hạn sử dụng” dài.

Ví dụ, thời điểm thưởng thức tốt nhất từ trước đến nay của các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam – nông sản và thủy sản – chỉ khoảng 15 ngày. Tuy nhiên, rất khó để vận chuyển chúng đến thị trường Liên minh châu Âu (EU) trước thời điểm này bằng đường biển, trong khi phí vận chuyển hàng không rất cao. 

Thông qua tuyến đường sắt Việt Nam-Trung Quốc, các chuyến tàu chở hàng Việt Nam có thể tiếp tục đi về phía bắc qua Côn Minh và đến châu Âu thông qua Hành lang đất liền-biển phía Tây mới của Trung Quốc.

Khi tuyến đường sắt Việt Nam – Trung Quốc được kết nối hoàn toàn, Việt Nam chỉ mất 2-4 ngày để vận chuyển hàng hóa đến hầu hết các vùng của Trung Quốc, 5-6 ngày đến Trung Á và một số nước Tây Á, và chưa đầy 15 ngày để đến EU.

Như vậy, bằng cách kết nối đường sắt với hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc và mạng lưới đường sắt Á-Âu, hàng hóa Việt Nam có thể được vận chuyển đến châu Âu thông qua Trung Quốc nhanh hơn và rẻ hơn, thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

Theo Bộ Xây dựng, dự kiến tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là hơn 200.000 tỷ đồng, bao gồm cả phân đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Ninh thuộc tuyến ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Tuyến đường sắt này có tổng chiều dài quy hoạch là hơn 460 km, điểm đầu tại cửa khẩu Lào Cai kết nối với đường sắt Trung Quốc và điểm cuối tại ga Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh).

Tuyến đường sắt sẽ có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai – ga cảng Lạch Huyện, 80 km/h cho đoạn Lào Cai – các đoạn tuyến nhánh, 120 km/h đối với đoạn đi qua Hà Nội và đi trùng với đường sắt vành đai phía Đông.

(Theo Guancha, Tin tức buổi tối Bắc Kinh trực tuyến)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *