Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương


Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng yêu cầu cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương.

Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã nêu cụ thể hướng dẫn về cơ cấu, số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ và phó bí thư cấp uỷ các cấp.

Cơ bản bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương

Theo đó, cơ cấu cấp uỷ phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp uỷ; quy định thống nhất những chức danh có cơ cấu “cứng” tham gia ban thường vụ, số chức danh còn lại do cấp uỷ quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ của địa phương, đơn vị.

Việc chuẩn bị nhân sự cần kết hợp hài hòa giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương, đơn vị có cơ cấu cấp uỷ nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, điều động nhân sự từ nơi khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để giới thiệu, chỉ định tham gia cấp uỷ hoặc bổ sung sau đại hội.

Chỉ thị 45 lưu ý, cơ bản thực hiện bố trí bí thư (phó bí thư) cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh, cấp xã.

Cũng theo chỉ thị, mỗi đồng chí trong thường trực cấp uỷ cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn ĐBQH, chủ tịch MTTQ; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hoà nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; phấn đấu cơ bản hoàn thành ở cấp xã và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác”, chỉ thị nêu.

Chỉ thị cũng yêu cầu phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ( từ 8 năm trở lên ) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp uỷ viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ ( dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp xã ) từ 10% trở lên ( tính cho cả nhiệm kỳ ); phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5%; tỷ lệ cấp uỷ viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo chỉ thị, cấp uỷ và người đứng đầu các cấp có thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, đề bạt, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp uỷ khóa mới theo quy định.

Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp uỷ viên trong nhiệm kỳ (không thực hiện đối với đảng bộ hợp nhất, sáp nhập ). Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp uỷ.

Vào đầu nhiệm kỳ, những nơi nào chưa bầu đủ số lượng, tỷ lệ, cơ cấu cấp ủy theo chỉ thị, thì trong nhiệm kỳ phải chủ động chuẩn bị nhân sự để kiện toàn, bổ sung theo quy định.

Định hướng cơ cấu ban thường vụ

Trong phụ lục của Chỉ thị 45 cũng nêu quy định về số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ và phó bí thư cấp uỷ các cấp.

Cụ thể, đối với địa phương hợp nhất, sáp nhập , sẽ giữ số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ nhiệm kỳ 2025 – 2030 như số lượng được chỉ định tại thời điểm sau hợp nhất, sáp nhập nhiệm kỳ 2020 – 2025 (trừ các đồng chí không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác khác hoặc có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi ) và sẽ thực hiện giảm dần số lượng trong thời gian 5 năm sau khi hợp nhất, sáp nhập; đến nhiệm kỳ 2030 – 2035 số lượng cấp uỷ sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị.

Các địa phương không hợp nhất, sáp nhập, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện như nhiệm kỳ 2015 – 2020; đối với số lượng phó bí thư thực hiện theo Kết luận số 102-KL/TW, ngày 30/11/2024 của Bộ Chính trị.

Định hướng cơ cấu ban thường vụ, gồm: bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND ( bí thư hoặc phó bí thư kiêm nhiệm ), chủ tịch UBND, 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp uỷ và trưởng các ban: tổ chức, tuyên giáo và dân vận, nội chính; chủ tịch MTTQ ( đối với nơi có từ 3 phó bí thư trở lên thì phân công 1 đồng chí kiêm chủ tịch MTTQ ), chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc công an, người đứng đầu một số đảng bộ xã, phường, đặc khu và lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của ban thường vụ cấp uỷ.

Đối với tỉnh, thành phố được bố trí 2 phó bí thư, thì không bố trí phó bí thư kiêm chủ tịch uỷ ban MTTQ; bổ sung 1 phó chủ tịch MTTQ có cơ cấu tham gia ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ đối với những nơi bố trí phó bí thư kiêm chủ tịch MTTQ. Đối với tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập, thì số lượng ủy viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ là phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể bố trí bổ sung thêm từ 1 – 2 cơ cấu.

Chỉ thị lưu ý, cán bộ được Trung ương điều động, luân chuyển giữ chức vụ bí thư, phó bí thư cấp ủy hoặc phó bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh nằm trong số lượng uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên thường vụ cấp uỷ nêu tại chỉ thị.

Đối với Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, Bộ Chính trị yêu cầu ban chấp hành không quá 39 người; ban thường vụ không quá 17 người.

Đối với Đảng bộ Chính phủ, ban chấp hành không quá 61 người; ban thường vụ không quá 17 người.

Đối với Đảng bộ Quốc hội, Chỉ thị 45 nêu, ban chấp hành không quá 43 người; ban thường vụ không quá 21 người.

Đối với Đảng bộ MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Bộ Chính trị hướng dẫn, ban chấp hành không quá 45 người; ban thường vụ không quá 15 người.

Bộ Chính trị lưu ý, sau Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị sẽ chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2025 – 2030 của 4 đảng bộ nêu trên (tương tự như đối với Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương). Trường hợp thật sự cần thiết, Bộ Chính trị sẽ xem xét tăng thêm số lượng phó bí thư chuyên trách của 4 đảng bộ để bố trí, sắp xếp cán bộ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *