Quan hệ Mỹ – Iran: Mỹ ráo riết chuẩn bị tấn công huỷ diệt Iran, chính sách “chiếc gậy và củ cà rốt“ của Tổng thống Donald Trump liệu có ngăn chặn được chiến tranh?
Ngày 7/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã gửi thư cho Lãnh tụ tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei đề xuất đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận hạt nhân mới. Ông đưa ra thời hạn hai tháng để ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới giữa hai nước.
Ngày 13/3/2025, Giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố từ chối đề nghị đàm phán với Mỹ. Ngày 30/3/2025, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian chính thức trả lời thư của ông Trump từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ. Ông Pezeshkian nêu rõ, Mỹ và Iran khó có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới khi các thỏa thuận trước đó đã thất bại do Mỹ huỷ bỏ.
Cùng với việc triển khai các phương tiện chiến tranh đến khu vực, ngày 30/3/2025, với lời lẽ hết sức cứng rắn, Tổng thống Trump đe dọa sẽ tiến hành “những cuộc ném bom mà họ chưa từng thấy trước đây” và áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp mới đối với hàng hóa Iran nếu Tehran không chịu đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Vào ngày 3/4/2025, các nguồn tin thân cận với chính quyền ông Trump nói với tờ báo Express của Anh rằng Iran có thể “biến mất trước tháng 9” nếu không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, phá bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Mỹ ráo riết chuẩn bị tấn công Iran
Lầu Năm Góc cho biết đang tập hợp một lực lượng hải quân và không quân lớn đến gần Iran.
Sáu máy bay ném bom B-2 Spirit đã được điều đến căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Đây là loại máy bay tàng hình hiện đại nhất trong biên chế của quân đội Mỹ. Mỗi máy bay loại này có thể mang theo tới 18 tấn bom và tên lửa, gồm bom dẫn đường chính xác GBU-57A/B MOP. Mỗi quả bom nặng 13,6 tấn có khả năng xuyên thủng lớp bê tông cốt thép dày tới 60 mét để phá hủy các cở sở ngầm dưới đất.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ triển khai từ 80 đến 98 máy bay tấn công, trong đó 50 đến 70 chiếc có thể tiến hành tấn công đồng loạt Iran. Ngoài ra, theo các thông tin tình báo, hàng chục máy bay vận tải hạng nặng rời căn cứ không quân Hill đã hạ cánh xuống các căn cứ quân sự của Mỹ ở Ả Rập Saudi, Qatar, Jordan và Kuwait. Cùng với các máy bay này còn có máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 cũng đã được đưa vào chế độ trực chiến.
Bộ Quốc phòng Mỹ điều thêm tàu sân bay USS Carrl Vinson đến khu vực, đồng thời ra lệnh cho tàu sân bay USS Truman, hiện đang hoạt động ở Biển Đỏ, kéo dài thời gian lưu lại đây ít nhất một hoặc hai tháng.
Cuối tháng 3, phần lớn các máy bay này đã được đưa đến Diego Garcia ở phía bắc Ấn Độ Dương. Trong cuộc chiến tranh chống Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003, hầu hết các máy bay ném bom của Mỹ đều xuất phát từ căn cứ này.
Mỹ cũng đã triển khai thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và một số đơn vị tên lửa Patriot từ Hàn Quốc sang Israel. THAAD là một trong những hệ thống chống tên lửa hiện đại nhất của Mỹ, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo gần như hoàn hảo. Đây là lần đầu tiên vũ khí phòng thủ này được sử dụng kể từ khi Mỹ triển khai trên lãnh thổ Israel tháng 10/2024. Mục tiêu triển khai hệ thống phòng không này ở Israel của Mỹ là nhằm tăng cường khả năng răn đe chống Iran.
Các chuyên gia quân sự của Nga dự đoán thời gian Mỹ, Israel hoàn tất các công việc chuẩn bị để có thể mở cuộc tấn công toàn diện vào các cơ sở hạt nhân, quân sự của Iran vào trung tuần tháng 4/2025. Trong khi đó, một số nguồn tin từ Israel cho tờ Daily Mail của Anh biết Mỹ và Israel có thể tấn công Iran trong vòng vài tuần.
Các chuyên gia quân sự cho rằng đây sẽ là một cuộc tấn công phối hợp, có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Các trung tâm chỉ huy và phòng không của Iran có thể sẽ bị phá huỷ ngay từ những phút đầu tiên bởi các cuộc tấn công từ máy bay F-35 thế hệ thứ năm, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo từ tàu chiến và căn cứ trên bộ của Hải quân Mỹ. Tiếp theo các máy bay chiến lược tàng hình B-2 và máy bay tấn công F/A-18 sau đó sẽ bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công đồng bộ.
Tại sao tấn công Iran lại khó khăn?
Với sức mạnh quân sự vượt trội, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng tấn công Iran sẽ không hề dễ dàng và có nhiều rủi ro.
Ngày 31/3/2025, Lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Iran Ali Khamenei cảnh báo, Tehran sẽ “đáp trả mạnh mẽ” đối với “những hành động tàn bạo” và khiêu khích của Mỹ và Israel.
Về quân sự, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm phá hủy chương trình hạt nhân hoặc nhằm vào chế độ Iran trước tiên sẽ phải tấn công các sân bay, trung tâm chỉ huy và hệ thống phòng không của Tehran. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi ít nhất 1.400 phi vụ.
Những quả bom lớn như vậy chỉ có thể thả rơi tự do, có nghĩa là nó phải được thả xuống mục tiêu theo chiều thẳng đứng từ một máy bay chuyên dụng ngay phía trên mục tiêu. Do đó, máy bay B-2 của Mỹ phải đi vào không phận Iran, nơi có hệ thống phòng không hiện đại.
Năm 2019, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk BAMS-D rất hiện đại của Mỹ bằng một tên lửa đất đối không. Mặc dù B-2 là máy bay tàng hình hết sức hiện đại, nhưng cũng không thể hoàn toàn tránh khỏi hệ thống phòng không của Iran. Điều này có nghĩa là trước khi tấn công vào cơ sở hạ tầng được bảo vệ kiên cố của Iran, quân Mỹ phải có kế hoạch loại bỏ khả năng chiến đấu của hệ thống phòng không Iran. Điều này không dễ dàng.
Iran cũng đang chuẩn bị lực lượng để đáp trả nếu bị tấn công. Theo tờ Tehran Times, một số lượng lớn tên lửa đã được đặt trên các bệ phóng tại các căn cứ ngầm sâu hàng trăm mét trong lòng đất có khả năng bị phá huỷ. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã đặt lực lượng vũ trang Iran vào tình trạng báo động cao.
Mặt khác, nếu bị tấn công, Iran sẽ “trả đũa”, bắn tên lửa vào các mục tiêu quân sự của Mỹ và Israel. Các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Iran. Các nước Trung Đông khác cũng có thể bị lôi kéo vào hành động quân sự.
Về kinh tế, một cuộc chiến tranh như vậy sẽ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, khiến giá dầu tăng vọt và làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hải qua Eo biển Hormuz, ảnh hưởng lớn đến các nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ Trung Đông.
Iran có thể tấn công đường ống dẫn dầu Đông-Tây, nối với cảng Bandar Abbas. Đường ống này được xây dựng năm 1982 vận chuyển hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày đến châu Âu. Cảng, nhà máy lọc dầu và trạm xuất khẩu ở Yanbu, được các công ty phương Tây điều hành sẽ là mục tiêu ưu tiên. Việc đóng cửa đồng thời eo biển Hormuz và gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chiến tranh xảy ra, giá dầu trên thế giới có thể tăng lên 200 USD/ thùng.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là ý tưởng tấn công Iran không được nhiều người ủng hộ. Washington hiểu rõ một cuộc chiến như vậy có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho chính nước Mỹ. Nếu chiến dịch quân sự chống Iran không đạt được mục tiêu, đảng Dân chủ có thể giành lại cả hai viện của Quốc hội sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và suy thoái kinh tế do chiến tranh gây ra.
Quan điểm của Iran
Iran tuyên bố sẵn sàng trở lại bàn đàm phán, nhưng sẽ không đàm phán dưới sức ép và đe doạ của Mỹ. Đồng thời, Tehran cũng sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ mở cuộc tấn công quân sự chống Iran. Iran đã công bố thành phố tên lửa ngầm 100 mét dưới mặt đất hết sức kiên cố của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi giải thích rằng Tehran đã gửi phản hồi chính thức “thích hợp” tới thông điệp của ông Trump thông qua Vương quốc Oman, nhấn mạnh rằng chính sách của Iran “vẫn dựa trên việc không tham gia đàm phán trực tiếp dưới áp lực tối đa và các mối đe dọa quân sự”.
Ông Abbas Araghchi lưu ý rằng Tehran không có ý định gia hạn thỏa thuận hạt nhân theo hình thức đã ký kết trước đây. Ông nói: “Tình hình hạt nhân của chúng tôi đã được cải thiện đáng kể và chúng tôi không thể quay lại tình trạng trước đây nữa.”
Trong khi đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Tehran chưa bao giờ có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân và cho biết chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích sản xuất năng lượng cho mục đích dân sự. Ông nhấn mạnh rằng nước ông sẵn sàng đối thoại trên tinh thần bình đẳng và không được đe dọa. Hành vi của Mỹ đối với Iran trái ngược với yêu cầu đàm phán.
Tổng thống Trump dùng đòn “cây gậy và củ cà rốt”
Mặc dù tình hình leo thang hết sức căng thẳng, cả Mỹ và Iran đang hướng về một giải pháp ngoại giao. Tổng thống Trump nói sẽ đưa ra một thoả thuận hào phóng cho Iran.
Ngày 7/4/2025, tiếp Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán trực tiếp với Iran. Họ đã bắt đầu. Sẽ có một cuộc họp lớn vào ngày 12/4 tới và chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra”. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với Iran đang diễn ra ở cấp cao, trực tiếp, với hy vọng đạt được thỏa thuận.
Ngày 8/4/2025, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết, đây không phải đàm phán trực tiếp mà là ngày 12/4/2025, Iran và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp ở cấp cao về chương trình hạt nhân của Iran tại Vương quốc Oman. Ông cho biết Tehran sẽ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ “nếu các cuộc đàm phán gián tiếp diễn ra tốt đẹp”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cũng bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ có thể giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao.