Hàng Long Thập Bát Chưởng, tuyệt kỹ võ công lừng lẫy trong thế giới võ hiệp Kim Dung, luôn là đề tài gây tranh cãi về nguồn gốc thực sự của nó.
Bài viết này sẽ phân tích những mâu thuẫn và bí ẩn xung quanh môn võ Hàng Long Thập Bát Chưởng trứ danh này.
Hàng Long Thập Bát Chưởng, hay còn được biết đến với tên Giáng Long Thập Bát Chưởng, là một kỹ năng võ học cao cấp trong các tác phẩm của Kim Dung, đặc biệt là trong Thiên Long Bát Bộ và Xạ Điêu Tam Bộ Khúc. Kỹ năng này là một trong hai bí kíp nổi tiếng nhất của Cái Bang và gắn liền với hình ảnh các nhân vật anh hùng hào kiệt trong truyền thuyết.

Hàng Long Thập Bát Chưởng, hay còn được biết đến với tên Giáng Long Thập Bát Chưởng, là một kỹ năng võ học cao cấp trong các tác phẩm của Kim Dung. (Ảnh: Sohu)
Đây là môn võ công chí dương, chí cương trong thiên hạ, đứng hàng đầu trong các bộ chưởng. Nó cũng là sở trường của Kiều Phong và Quách Tĩnh.
Sức mạnh của Hàng Long Thập Bát Chưởng
Để nói về sức mạnh của Hàng Long Thập Bát Chưởng, một số đoạn trong các tác phẩm của Kim Dung đã miêu tả sự lợi hại của môn võ này. Trong Thiên Long Bát Bộ, khi Kiều Phong đối đầu với Vô Danh Thần Tăng, nguyên tác có viết: “Kiều Phong sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng, lại dễ dàng chiếm ưu thế. Một chưởng đánh xuống, vài cây xương sườn của lão tăng bị gãy, máu tươi phun ra, suýt chút nữa thì chết ngay tại chỗ. Đối mặt với thương thế kinh người như vậy, lão tăng ngược lại còn gắng gượng cười nói: Hàng Long Thập Bát Chưởng, quả nhiên là thiên hạ đệ nhất!”

Hàng Long Thập Bát Chưởng là sở trường của Kiều Phong. (Ảnh: Sohu)
Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Bắc Hiệp Quách Tĩnh nhờ Hàng Long Thập Bát Chưởng, được xưng tụng là Thiên Hạ Ngũ tuyệt, người có thể sánh ngang với ông hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vợ ông, Hoàng Dung, từng nói: “Nhờ môn tuyệt kỹ độc nhất thiên hạ này, cộng thêm phẩm chất cao quý của chàng, vị trí Thiên Hạ Ngũ Tuyệt, thật là danh xứng với thực!”. Có thể thấy, Hàng Long Thập Bát Chưởng thật sự rất lợi hại. Chỉ bằng vài chiêu này, đã có thể thách thức cả giới võ lâm.
Nguồn gốc thực sự của Hàng Long Thập Bát Chưởng
Nguồn gốc của Hàng Long Thập Bát Chưởng có liên quan mật thiết đến Cái Bang. Nhà văn Kim Dung trong Anh Hùng Xạ Điêu, lần đầu tiên chính thức đề cập đến Hàng Long Thập Bát Chưởng. Nguyên tác có viết, Hàng Long Thập Bát Chưởng là tuyệt học của Cái Bang, chỉ có bang chủ mới được tu luyện. Hồng Thất Công, vị trưởng lão đáng kính, đã truyền thụ tuyệt kỹ này cho Quách Tĩnh, đệ tử tâm đắc nhất của mình. Trong sách có miêu tả kỹ lưỡng, khắc họa chi tiết uy lực phi thường của Hàng Long Thập Bát Chưởng. Nhưng theo Sohu và Sina, nếu nói Hàng Long Thập Bát Chưởng thật sự xuất phát từ Cái Bang, thì có chút không hợp lý.
Cái Bang tuy là môn phái khá nổi tiếng, nhưng xét về nội lực và thực lực, thì kém xa các đại phái như Thiếu Lâm, Võ Đang. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Kim Dung dường như không giới thiệu chi tiết, Hàng Long Thập Bát Chưởng của Hồng Thất Công rốt cuộc là từ đâu mà có.
Nếu Hàng Long Thập Bát Chưởng là tuyệt học gia truyền của Cái Bang, tại sao không ai biết là do vị bang chủ nào sáng tạo ra?
Nguồn gốc của Hàng Long Thập Bát Chưởng lại được Kim Dung miêu tả trong một tác phẩm khác là Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Mặc dù tiểu thuyết này ít được nhắc tới, nhưng nó thực sự là tác phẩm đầu tiên được xuất bản của Kim Dung. Trong tác phẩm này, tác giả Kim Dung lại đề cập rằng, Hàng Long Thập Bát Chưởng lại là tuyệt học của Thiếu Lâm tự.
Cụ thể, câu chuyện xảy ra vào thời nhà Thanh, tổng đà chủ Hồng Hoa Hội Trần Gia Lạc giao đấu với Thiên Kính đại sư của Thiếu Lâm tự. Ngay khi Thiên Kính đại sư sắp thua trận, ông ta đột nhiên thi triển một bộ chưởng pháp bí ẩn, chính là Hàng Long Thập Bát Chưởng đã lưu truyền trên giang hồ từ lâu. Thời đại này diễn ra sau thời đại Anh Hùng Xạ Điêu nhiều năm. Khi đó, Kim Dung rõ ràng chưa xác định Hàng Long Thập Bát Chưởng là tuyệt kỹ độc môn của Cái Bang. Vậy tại sao sau này Kim Dung lại thay đổi quan điểm, nhất định phải liên kết Hàng Long Thập Bát Chưởng với Cái Bang?
Phải chăng, tất cả chỉ là sự tưởng tượng của Kim Dung? Thực ra, nếu xem xét kỹ các tiểu thuyết của Kim Dung, nguồn gốc của Hàng Long Thập Bát Chưởng dường như chưa bao giờ được tiết lộ.
Sự mâu thuẫn và lời giải thích
Trước hết, cần nhớ rằng, hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đều được đăng nhiều kỳ trên báo và tạp chí. Thời điểm đó, Kim Dung vẫn là một nhà văn trẻ mới vào nghề. Để thu hút sự chú ý của độc giả, việc thêm thắt những chi tiết để thu hút sự chú ý của người đọc là chuyện thường tình. Hơn nữa, thời gian sáng tác của Kim Dung gấp rút, làm sao có thể quan tâm đến việc trước sắp xếp chi tiết và logic chặt chẽ được? Do đó, nguồn gốc của Hàng Long Thập Bát Chưởng trong các miêu tả của Kim Dung trở nên mơ hồ, đầy nghi vấn. Vì vậy, Hàng Long Thập Bát Chưởng lúc được nói là tuyệt kỹ của Cái Bang, lúc lại trở thành bí kíp bất truyền của Thiếu Lâm Tự. Độc giả mỗi người một ý kiến, các học giả cũng không thống nhất quan điểm.
Theo Sohu, tuy Kim Dung có trí tưởng tượng phong phú khi sáng tác, nhưng trong các tác phẩm luôn có một số manh mối ẩn giấu. Độc giả tinh ý sẽ nhận ra, dù là trong Thư Kiếm Ân Cừu Lục hay Thiên Long Bát Bộ, khi nhắc đến Hàng Long Thập Bát Chưởng, Kim Dung luôn thích dùng những cách diễn đạt như “giang hồ tương truyền”, “tương truyền”, “nghe nói”. Điều này nghe có vẻ như là để tăng thêm cảm giác thần bí, nhưng thực chất lại là để lại cho mình một đường lui. Xét cho cùng, đối với truyền thuyết thật giả khó phân, rất khó để tìm hiểu kỹ.
Nhìn vào thế giới võ hiệp của Kim Dung, Hàng Long Thập Bát Chưởng tuy nổi tiếng, nhưng nói nó thật sự lợi hại như giang hồ đồn đại thì chưa chắc đã đúng. Người sáng tạo ra môn võ công này vẫn còn là một ẩn số, nguồn gốc lại không thống nhất, khiến nhiều người đọc không khỏi nghi ngờ. Rất có thể, đó chỉ là dụng ý của Kim Dung muốn thể hiện sự khao khát và tưởng tượng của ông về thế giới võ hiệp.
(Theo Sohu, Sina, 163)