Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã đưa ra thị trường một lượng lớn thuốc giả, thu lợi bất chính gần 200 tỉ đồng
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng giả với quy mô toàn quốc. Đường dây này bị phanh phui chỉ sau vài ngày Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả, gây hoang mang dư luận.
Hoạt động rất kín kẽ
Trong số 14 đối tượng bị bắt giữ ở đường dây này, Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991; ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) được xác định là kẻ cầm đầu.
Cơ quan điều tra cho biết đường dây này đã sản xuất, phân phối ra thị trường hàng chục ngàn sản phẩm thuốc giả với 21 loại khác nhau. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã đưa ra thị trường một lượng lớn thuốc giả, thu lợi bất chính gần 200 tỉ đồng.
Từ việc nắm tình hình trên không gian mạng, công an phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thuốc giả tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành. Sau thời gian theo dõi, lực lượng chức năng đã đồng loạt khám xét 6 địa điểm tại Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp; thu giữ 21 loại thuốc và thực phẩm chức năng giả như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion, Tui Hua Shen Jing Tong, Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ, Mujarhabat Kapsul, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn, Phong tê nhức Bạch Xà Vương, Hổ Cốt Hoàn…
Tang vật thu giữ còn có hơn 18.000 vỏ hộp thuốc, 142 kg nguyên liệu dạng viên, bột; nhiều máy móc, thiết bị như máy ép, khuôn ép vỉ, dây chuyền đóng gói. Tổng khối lượng thuốc giả và nguyên liệu thu giữ gần 10 tấn.
Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Tiến Đạt cầm đầu, cấu kết với Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) tổ chức sản xuất và phân phối thuốc giả. Nhóm này đầu tư dây chuyền máy móc, mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thuê nhân công chế biến, đóng gói. Thuốc chủ yếu nhắm đến người cao tuổi, người có bệnh lý xương khớp. Thủ đoạn của các đối tượng là không làm giả thuốc đang lưu hành, mà tự đặt tên mới cho thuốc và công ty sản xuất, ghi xuất xứ Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia… khiến người tiêu dùng lầm tưởng là hàng nhập khẩu.
Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đặt xưởng sản xuất tại những khu vực hẻo lánh ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, TP HCM và Hà Nội. Nhân công chủ yếu là người thân quen, làm việc khép kín. Nhóm này giả danh nhân viên dược, rao bán thuốc trên các nền tảng như Zalo, Facebook với lý do thuốc là hàng “thầu”, “xách tay” nên giá rẻ và không có hóa đơn.
Một chiêu thức khác để qua mặt việc kiểm tra là trộn thuốc thật với thuốc giả. Sau khi có lượng khách ổn định, các đối tượng chuyển hẳn sang bán thuốc giả tự sản xuất cho các dược sĩ tự do tại chợ thuốc.
Thiếu tá Tống Đình Xuân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết nhóm này hoạt động rất kín kẽ, sử dụng điện thoại và tài khoản ảo để liên lạc, buôn bán, khiến việc phá án gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, năm 2024, Công an TP Thanh Hóa từng khởi tố vụ án làm giả thuốc kháng sinh. Cùng thời gian, công an phát hiện hơn 4.000 hộp thực phẩm chức năng giả An cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm, trị giá khoảng 50 tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã bán ra hơn 20.000 hộp sản phẩm giả.
Bán trên mạng, khó kiểm soát
Liên quan vụ việc, chiều 17-4, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đã có thông tin với báo chí.
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, xác nhận Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa phối hợp với công an xử lý vụ việc, thu hồi triệt để các sản phẩm thuốc giả đã lưu hành.
Theo báo cáo ban đầu, chưa phát hiện thuốc giả tại các bệnh viện công lập do không đủ giấy tờ để tham gia đấu thầu; phần lớn tiêu thụ qua mạng và nhà thuốc nhỏ lẻ. Trong số 21 loại thuốc giả bị thu giữ có 4 loại thuốc giả nhái mẫu đang lưu hành của các tân dược: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion; hơn 39.000 hộp thuộc 17 loại còn lại nghi giả đông dược hoặc có nhãn ghi công dụng như thuốc chữa bệnh.
Theo ông Hùng, thuốc giả được phân phối dưới vỏ bọc nhân viên dược. Các đối tượng giả danh người bán thuốc của công ty dược, quảng cáo sản phẩm qua mạng. Thuốc được giới thiệu là hàng chính hãng, giá rẻ vì “tuồn” từ kho hàng, hết chỉ tiêu hoặc không có hóa đơn. Một số thuốc còn gắn mác “xách tay” để tạo sự tin tưởng.
Ban đầu, các đối tượng trộn thuốc giả với thuốc thật để tránh bị phát hiện. Sau khi có khách ổn định, họ chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất, chủ yếu qua các chợ thuốc, nơi khó kiểm soát. Khách hàng chủ yếu là những người mua qua các kênh bán tự do, đặc biệt là tại các chợ thuốc.
Ông Hùng thông tin trong các năm 2023, 2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện các lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả. Bộ Y tế đã chỉ đạo các sở y tế chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, xử lý.
“Bộ Y tế liên tục chỉ đạo địa phương, đặc biệt phối hợp với cơ quan chức năng, phát hiện kịp thời các vụ việc liên quan thuốc giả. Tuy nhiên, việc mua thuốc qua mạng xã hội và tại các nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn phổ biến, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng” – ông Hùng giải thích.
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh nên phải được quản lý chặt chẽ. Từ vụ việc triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục siết kiểm tra chuỗi cung ứng thuốc, tăng cường giám sát, xử phạt vi phạm.
Khẩn trương điều tra 2 đường dây thuốc giả và sữa giả
Ngày 17-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện chỉ đạo đẩy nhanh điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm trong vụ sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả tại Thanh Hóa và một số địa phương.
Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý vụ việc; rà soát, thu hồi thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; kiểm soát thị trường và tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dược. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế và địa phương quản lý thị trường, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg về chống buôn lậu, gian lận thương mại. UBND các tỉnh, thành phố phải rà soát, kiểm tra cơ sở kinh doanh, thu hồi sản phẩm giả và xử lý vi phạm theo quy định, nhằm bảo đảm chất lượng thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên thị trường.
Cùng ngày, liên quan đường dây sản xuất, phân phối sữa giả vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt phá, Thủ tướng cũng có công điện yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc để thông tin cho người tiêu dùng; đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
M.Chiến