Người phụ nữ Trung Quốc cho rằng bản thân là con gái duy nhất nên có quyền thừa kế toàn bộ tài sản.
Năm 2022, hai vợ chồng Lý Vận và Văn Nhã lần lượt qua đời, để lại căn nhà 1,5 triệu NDT (5,3 tỷ đồng) tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Con gái họ là bà Lý Linh, 70 tuổi rơi vào cảnh vừa mất người thân, vừa đối mặt với khó khăn tài chính khi đang điều trị ung thư.
Tuy nhiên khi sắp xếp lại nhà của bố mẹ, Lý Linh phát hiện mẹ cô để lại di chúc, tặng căn nhà cho đồng nghiệp họ Trần cùng đơn vị công tác cũ, đồng thời giao toàn bộ tiền tiết kiệm để lo hậu sự cho bà. Theo di chúc của bà Văn Nhã, những năm tháng cuối đời, người đồng nghiệp này đã luôn đồng hành để giúp đỡ hai vợ chồng bà từ tài chính đến chăm sóc sức khỏe. Vậy nên bà muốn giao lại tài sản cho ông Trần quản lý.
Không chấp nhận việc toàn bộ tài sản bị chuyển giao cho người ngoài, bà Lý Linh khởi kiện, yêu cầu chia phần tài sản. “Tại sao mẹ lại quyết định thay bố tôi? Căn nhà này của cả 2 người nhưng bố tôi không để lại di chúc”, Lý Linh thất vọng nói.
Lý Linh khẳng định mình là người thừa kế duy nhất theo luật nên có thể thừa kế toàn bộ tài sản. Bộ Luật Dân sự Trung Quốc quy định hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người quá cố. Trong hoàn cảnh tuổi cao bệnh nặng, người phụ nữ này mong muốn có một nơi để nương tựa khi không còn gia đình ở bên.
Người đồng nghiệp họ Trần lại cho rằng dù cụ ông Lý Vận không để lại di chúc, nhưng trước đó ông đã nhiều lần nói sẽ giao lại tài sản cho đồng nghiệp quản lý. Bằng chứng ông Trần đưa ra là những tin nhắn trước khi ông Lý qua đời. Trên thực tế, mối quan hệ của Lý Linh và bố mẹ không hoà hợp, họ ít khi gặp gỡ nên đó có thể là lý do bà Văn Nhã không để lại tài sản cho con gái.
Sau khi xem xét các bằng chứng, Toà án nhân dân quận Hải Điến Bắc Kinh, Trung Quốc) công nhận tính hợp pháp của di chúc cụ bà Văn Nhã để lại. Di chúc phản ánh nguyện vọng của người quá cố, nếu được Tòa án công nhận tính hợp pháp thì sẽ được thực hiện đúng theo nội dung di chúc mà không xét đến các hàng thừa kế.
Tuy nhiên vì căn nhà đứng tên cả 2 người, ông Lý Vận qua đời trước nên 1/2 căn nhà sẽ chia đều cho con gái Lý Linh và vợ Văn Nhã. Nguyện vọng của bà Văn Nhã là giao toàn bộ tài sản cho đồng nghiệp Trần nên kết quả, Lý Linh chỉ nhận 1/4 giá trị căn nhà.
Thế nhưng cả Lý Linh và đồng nghiệp Trần đều không chấp nhận cách chia tài sản này. Trước tình huống căng thẳng, Thẩm phán phải tiến hành giảng hoà để 2 bên tự thoả thuận. Bà Lý Linh nhấn mạnh hoàn cảnh của bản thân khi sống cô đơn và đang điều trị bệnh. Nếu không thể thừa kế toàn bộ căn nhà, bà mong muốn sẽ được quyền cư trú tại đây những năm tháng cuối đời.
Cuối cùng, cả 2 bên đạt được thoả thuận: ngôi nhà là tài sản của đồng nghiệp Trần nhưng bà Lý Linh sẽ có thể sống tại đây đến khi qua đời. Ngoài ra, Lý Linh sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ đồng nghiệp Trần để có chi phí sinh hoạt và điều trị bệnh. Khoản tiền này được rút ra từ chính tiền tiết kiệm của mẹ bà.
Kim Linh
Theo Toutiao