Các nhà khoa học từ Tân Ban Nha, Thụy Điển và Ý đã phát triển một xét nghiệm máu đột phá nhằm tìm kiếm dấu ấn sinh học phospho-tau217.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Medicine đã giới thiệu một xét nghiệm máu đột phá, có thể chỉ ra chính xác nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở những người vừa bắt đầu có dấu hiệu suy giảm nhận thức.
Công trình do các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Bệnh viện del Mar, Trung tâm nghiên cứu não Barcelonaβeta (Tây Ban Nha), Đại học Gothenburg và Lund (Thụy Điển), Đại học và Bệnh viện Brescia (Ý) thực hiện.
Theo SciTech Daily, xét nghiệm này nhằm tìm kiếm phospho-tau217, một dấu hiệu sinh học có thể phản ánh nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong tương lai, ngay cả ở người mới có những dấu hiệu tiền lâm sàng chưa rõ ràng.
Nó sẽ giúp chỉ ra ai cần phải trải qua các phương pháp sàng lọc chuyên sâu hơn, chẳng hạn như chọc dò dịch não tủy hoặc chụp PET; cũng như ai không cần.
Hơn 1.700 tình nguyện viên đã được tuyển chọn từ các cơ sở y tế thuộc 3 quốc gia này. Kết quả cho thấy xét nghiệm đạt độ chính xác lên đế 90% ở những người dưới 80 tuổi.
Đặc trưng của xét nghiệm máu là chi phí thấp, dễ thực hiện hơn các dạng xét nghiệm chuyên sâu, do đó có thể triển khai rộng rãi hơn, tăng cơ hội tiếp cận và từ đó phát hiện sớm các trường hợp mắc Alzheimer.
Alzheimer là bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh mất trí nhớ, là nhóm bệnh gây tử vong sớm hàng thứ 7 theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Y khoa Đại học Erasmus MC (Hà Lan) cho thấy bị chẩn đoán Alzheimer từ tuổi 65 sẽ khiến bệnh nhân mất đi đến 13 năm tuổi thọ so với người không bệnh.
Tỉ lệ và lượng người mắc căn bệnh này đang ngày càng gia tăng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị thực sự hữu hiệu. Chỉ mới có vài loại thuốc được phê duyệt, nhưng chỉ áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn đầu, tác dụng hạn chế.
Vì vậy, phát hiện sớm và can thiệp bằng các biện pháp làm chậm diễn tiến của bệnh rất quan trọng.