Lý do Gia Cát Lượng muốn giết Nguỵ Diên có liên quan đến mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật chủ chốt thời Tam Quốc và những toan tính chiến lược sâu xa.
Bài viết phân tích nguyên nhân thực sự đằng sau việc Gia Cát Lượng muốn xử tử Ngụy Diên ngay từ lần đầu gặp mặt. Lý do là gì?
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Gia Cát Lượng vừa gặp Ngụy Diên đã quát: “Mau lôi tên tiểu tử này ra chém, hắn có phản cốt sau gáy…”. Tuy nhiên, cần phải nói rõ, đây là chuyện trong tiểu thuyết, Ngụy Diên và Gia Cát Lượng trong lịch sử không phải như vậy.
Mối quan hệ phức tạp với Ngụy Diên và Quan Vũ
Thời điểm diễn ra trận Xích Bích, thế lực của Tào Tháo là mạnh nhất. Nếu người mới đầu quân cho ông ta, chắc chắn không lo cơm ăn áo mặc, nhưng muốn nổi danh, lập nên sự nghiệp thì rất khó khăn, bởi vì dưới trướng ông ta có quá nhiều nhân tài. Tôn Quyền dựa vào các gia tộc địa phương để đứng vững ở Giang Đông, người mới muốn ngẩng đầu lên rất khó.
Những người nguyện ý theo Lưu Bị thời bấy giờ, hầu hết đều là những kẻ cứng đầu không cam tâm làm kẻ dưới, ví dụ như Bàng Thống và Ngụy Diên! Nhắc đến tên hai người này, bạn có thể thấy họ đều không hòa hợp với Gia Cát Lượng.
Khi Bàng Thống dẫn quân vào đất Thục, ông rất tin tưởng Ngụy Diên, để ông ta giả vờ múa kiếm hành thích Lưu Chương trong bữa tiệc. Ngụy Diên không nói hai lời liền ra tay. Sau này ở gò Lạc Phượng, Bàng Thống cho rằng Gia Cát Lượng sợ ông ta cướp công bình định Tây Xuyên, còn than phiền với Lưu Bị rằng: “Chủ công bị Khổng Minh che mắt rồi!”.
Gia Cát Lượng là nhân vật quan trọng thứ 2 của Thục Hán. Vậy Bàng Thống và Ngụy Diên có địa vị tương tự không? Trường hợp của Bàng Thống rất rõ ràng, bài viết này không bàn thêm. Trọng tâm là Ngụy Diên, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông ta gần như công khai tiếp quản vị trí này. Thực ra trong Thục Hán còn có một người cũng luôn muốn làm đảm nhận vị trí này, đó chính là Quan Vũ.

Khi Gia Cát Lượng muốn xử tử Ngụy Diên, Quan Vũ là người đầu tiên phản đối, tiếp đó Lưu Bị cũng đứng ra xin tha. (Ảnh: Sohu)
Gia Cát Lượng giải thích về “phản cốt” như sau: “Ăn lộc chủ mà muốn hại chủ, đó là bất trung; chiếm đất người ta mà muốn bán đi, đó là bất nghĩa. Ta thấy Ngụy Diên có phản cốt sau gáy, sớm muộn gì cũng sẽ làm phản, chi bằng trừ bỏ sớm, tránh hậu họa về sau”. Tuy nhiên, năm xưa khi Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên, Pháp Chính và những người khác chẳng phải cũng làm như vậy sao? Tại sao Gia Cát Lượng lại không nói những người này có mưu đồ hai lòng? Điểm khác biệt mấu chốt là: khi Pháp Chính đầu quân cho Lưu Bị, Tây Xuyên chỉ là vùng đất nói trên danh nghĩa. Còn Ngụy Diên thì khác, ông ta trực tiếp dâng thành đến trước mặt Quan Vũ…
Ngụy Diên xông lên tường thành, một đao chém Hàn Huyền làm đôi, xách đầu nhảy lên ngựa, dẫn bá tánh ra khỏi thành đầu hàng Quan Vũ. Quan Vũ rất vui mừng, lập tức dẫn quân vào thành. Thực tế, Ngụy Diên có phản cốt hay không không phải là vấn đề mấu chốt, điều khiến Gia Cát Lượng lo lắng là ông ta quá thân thiết với Quan Vũ. Gia Cát Lượng và Quan Vũ vốn không hợp nhau, nay Ngụy Diên lại đi nịnh bợ Quan Vũ, Gia Cát Lượng tất nhiên không thể chấp nhận được.

Nguỵ Diên đã trực tiếp dâng thành đến trước mặt Quan Vũ. (Ảnh: Sohu)
Đội ngũ của Lưu Bị vốn đã thiếu người, Gia Cát Lượng khó khăn lắm mới chiêu mộ được người mới, kết quả lại bị Quan Vũ thu nạp. Điều này khiến công việc của Gia Cát Lượng rất khó triển khai. Vì vậy, khi Gia Cát Lượng muốn xử tử Ngụy Diên, Quan Vũ là người đầu tiên phản đối, tiếp đó Lưu Bị cũng đứng ra xin tha.
Gia Cát Lượng lúc này mới nói: “Lần này ta tha chết cho ngươi. Ngươi phải trung thành phò tá chủ công, đừng có mưu đồ hai lòng. Nếu dám có ý đồ phản nghịch, ta có thể lấy mạng ngươi bất cứ lúc nào”. Lời cảnh cáo này có thực sự cần thiết không? Đương nhiên là cần thiết!
Theo Sohu, Quan Vũ trước khi đi đánh thành vốn rất kiêu ngạo. Chỉ dẫn theo năm trăm quân tiến về phía trước. Quan Vũ vốn có thân phận đặc biệt, Gia Cát Lượng không thể động vào. Nếu sau này Ngụy Diên cũng học theo, thì làm sao có thể khống chế!
Bài toán cân bằng nhân sự và chiến lược lâu dài
Khi Ngụy Diên chiếm được thành dâng cho Lưu Bị, Lưu Bị chắc chắn mừng rỡ, nhất định sẽ trọng thưởng cho ông ta. Tuy nhiên, nhân vật chủ chốt thực chất lại là lão tướng Hoàng Trung, Ngụy Diên làm vậy có phần lấn lướt, cố ý chiếm hết sự chú ý của mọi người.
Lưu Bị chỉ lo mừng rỡ, nhưng Gia Cát Lượng với tư cách là quân sư, phải giữ được cái đầu lạnh, suy xét toàn cục. Theo ông, Ngụy Diên là người không thể cất nhắc và trọng thưởng quá mức – nếu trọng thưởng Ngụy Diên, vậy Hoàng Trung phải sắp xếp thế nào?
Vì vậy, Gia Cát Lượng lúc này phải làm người xấu, lấy lý do “tướng mạo phản nghịch” để biện minh cho hành động của mình. Ông hiểu rõ, làm như vậy Quan Vũ và Lưu Bị chắc chắn sẽ phản đối, nhưng chính là muốn họ phản đối. Như vậy vừa giải quyết được vấn đề của Ngụy Diên, vừa tạo cơ hội cho việc mời chào Hoàng Trung sau này.
Hoàng Trung đầu quân cho Lưu Bị có một điều kiện, đó là phải an táng thi thể Hàn Huyền tử tế ở phía đông thành. Vậy Hàn Huyền là do ai giết? Chính là Ngụy Diên! Nếu Lưu Bị trọng thưởng Ngụy Diên ngay lúc này, chẳng khác nào thừa nhận việc ông ta giết Hàn Huyền là lập công. Nay lại phủ nhận chuyện này, chẳng phải tự vả vào mặt mình sao?

Nếu Lưu Bị trọng thưởng Ngụy Diên ngay lúc này, chẳng khác nào thừa nhận việc ông ta giết Hàn Huyền là lập công. (Ảnh: Sohu)
Như vậy, Ngụy Diên nhất định phải bị gán cho tội danh có ý đồ phản nghịch. Sắp xếp như vậy có hai lợi ích: thứ nhất, khiến Lưu Bị ban ơn cho ông ta, dễ bề khống chế sau này; thứ hai, đây là vì cân nhắc chiến lược tổng thể. Đây chính là nguyên nhân thứ hai khó nói ra.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả trên Sohu.
Tổng hợp