Kênh đào Funan được Campuchia kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối khu vực.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã công bố thông tin chi tiết về hợp đồng Đối tác công tư (PPP) trị giá 1,156 tỷ USD giữa các công ty Campuchia và Trung Quốc để phát triển dự án kênh đào Funan Techo (FTC – kênh Phù Nam), được xây dựng theo mô hình sở hữu 51-49 %.
Theo thông cáo báo chí của FTC, thỏa thuận PPP trị giá 1,156 tỷ USD này sẽ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại hoá hệ thống giao thông đường thủy của Campuchia, củng cố khả năng tự chủ về kinh tế và tăng cường kết nối khu vực.
Dự án được triển khai theo mô hình Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) theo luật PPP của Campuchia, trong đó các nhà đầu tư Campuchia nắm giữ 51% cổ phần để đảm bảo quyền sở hữu quốc gia chiếm đa số trong khi các đối tác Trung Quốc nắm giữ 49% còn lại, tuyên bố cho biết thêm.
Hợp đồng PPP phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Hoàng gia và Công ty TNHH Đường thủy nội địa ven biển Funan Techo, một công ty do các công ty Campuchia sở hữu chung. Phần vốn 49% do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc nắm giữ.
Phía Campuchia cho biết kênh đào Phù Nam dự kiến sẽ được xây dựng trong thời gian 4 năm.
Phát biểu với tờ Khmer Times, Hong Vanak, nhà nghiên cứu kinh tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia (RAC), giải thích rằng mô hình sở hữu 51-49 phần trăm là mô hình liên doanh giữa các công ty Campuchia và Trung Quốc, phù hợp với thông lệ quốc tế được các quốc gia trong khu vực và toàn cầu khác áp dụng.
Vanak lưu ý rằng theo cơ cấu này, với 51% do các công ty trong nước nắm giữ và 49% do một công ty đầu tư nước ngoài nắm giữ, các quyết định và hoạt động quan trọng được quản lý bởi phía trong nước, trong khi đối tác nước ngoài nhận được chia sẻ lợi nhuận dựa trên tỷ lệ sở hữu của mình.
“Sự sắp xếp này cho phép cổ đông đa số đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng quản trị trong khi cổ đông thiểu số thường đảm nhận vai trò phó chủ tịch”, Vanak nói.