“Tôi không dám hỏi ông Trịnh Công Sơn về ca từ trong nhạc của ông” – Khánh Ly nói.

Mới đây, kênh HaiTV đã chia sẻ đoạn clip quay lại buổi biểu diễn của danh ca Khánh Ly tại TP.HCM.
Tại đây, nữ danh ca chia sẻ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Khi tôi được ông Trịnh Công Sơn chọn, tôi mới ngoài 20 tuổi. Tôi không hiểu rõ lắm những điều ông Trịnh Công Sơn gửi gắm trong nhạc của ông. Tôi chỉ dám hát theo cảm xúc của mình thôi.
Tôi không biết nhạc, cũng không dám hỏi ông Trịnh Công Sơn về ý nghĩa của những bài ông viết. Điều tôi sợ nhất là tôi sợ ông Trịnh Công Sơn chê tôi dốt. Tôi thì dốt thật nên cứ sợ.
Tôi ngại khi nói chuyện với một người mà họ cứ phải cắt nghĩa cho mình, ngại lắm, nên tôi không dám hỏi ông Trịnh Công Sơn về ca từ trong nhạc của ông.
Nhưng sau này già rồi, tôi cứ nghe đi nghe lại nhạc của ông Trịnh Công Sơn và càng thấm hơn những điều ông muốn gửi gắm trong nhạc.
Thời bài Diễm xưa ra đời, những tình khúc thường xoay quanh mô típ kiểu anh yêu em, em yêu anh, mưa trên phố, mưa trên sông…, đại khái như vậy. Không ai nghĩ đến chuyện tự nhiên có một lúc nào đó đưa cây, cỏ, hoa, lá, tay, chân, tóc, cổ, mắt vào nhạc, đến sỏi đá cũng vào nhạc… nghe lạ quá.
Chính vì cái lạ đó mà giới học sinh, sinh viên ngày đó rất mê nhạc Trịnh. Về câu hát “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, ông Trịnh Công Sơn có nói với tôi rằng cỏ cây, sỏi đá cũng có linh hồn.
Khi chúng ta bước lên cỏ cây, sỏi đá, giẫm đạp lên nó, nó đau đó, kêu đó nhưng chúng ta vô tình, không nghe thấy hoặc có nghe nhưng vẫn cứ bước lên mà thôi.
Bao năm trôi qua, có những bài hát của ông Trịnh Công Sơn mà đến giờ này tôi cũng chưa hiểu. Tôi nhớ đến một câu thơ “thế giới có triệu điều không hiểu, lại càng không hiểu lúc cuối đời. Chẳng sao khi đã nằm trong đất, đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”.
Và tôi hi vọng, một lúc nào đó tôi sẽ đọc ở sao trời để hiểu rõ những điều ông Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm trong nhạc của ông”.
Trong hậu trường trước khi vào show diễn, danh ca Khánh Ly còn tự cầm đồ diễn của chính mình mà không có trợ lý nào. Bà nói: “Áo của mình thì mình phải tự ủi lấy, tự cầm lấy, để không đổ thừa cho ai được”.