Sau 7 năm vô sinh hiếm muộn, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở Phú Thọ kiệt quệ về kinh tế khi trước đó vợ chồng chị chạy chữa nhiều nơi những đều bất thành.
Được gọi hai tiếng “con yêu” là quyền thiêng liêng và khát khao chính đáng của mỗi cặp vợ chồng, nhưng với nhiều gia đình, hành trình ấy không hề dễ dàng. Ngoài vấn đề gặp phải về sức khỏe sinh sản của vợ hoặc chồng, họ còn gặp rào cản về kinh tế khi nhiều gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thậm chí là kiệt quệ chỉ vì tìm mọi cách kiếm con nhưng bất thành trước đó.
Sau 7 năm vô sinh hiếm muộn, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở Phú Thọ kiệt quệ về kinh tế khi trước đó vợ chồng chị chạy chữa nhiều nơi những đều bất thành.
“Bao nhiêu tiền của, sức lực và hy vọng dồn hết vào mong ước làm cha mẹ, chúng tôi tưởng đã mất tất cả” – chị Nguyễn Thị Thanh Huyền nghẹn ngào nhớ lại. Bảy năm ròng rã, vợ chồng chị kiên trì chạy chữa khắp nơi, từ đông y đến tây y, nhưng kết quả chỉ là sự lặng thinh của hy vọng.
Vô sinh không chỉ là nỗi đau thể chất, mà còn là hành trình bào mòn tinh thần và tài chính. “Đã có lúc, chúng tôi nghĩ đến việc từ bỏ…”, chị kể. Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất, cánh cửa hy vọng bất ngờ hé mở.
Nhờ chương trình khám miễn phí hiếm muộn, hai vợ chồng được chẩn đoán và hỗ trợ tài chính thực hiện phẫu thuật tìm tinh trùng (Micro TESE) và tạo phôi. “Khi không còn lo nghĩ quá nhiều về tiền bạc, tâm lý thoải mái hơn, kết quả kỳ diệu đã đến: tôi mang thai đôi”, chị Huyền xúc động kể. Năm 2024, vợ chồng chị chính thức chào đón hai bé khỏe mạnh – thành quả ngọt ngào của hành trình đầy gian truân.
Chị Huyền nhắn nhủ với các gia đình đang trên hành trình tìm con: “Đừng từ bỏ. Dù hành trình tìm con có thể dài, nhưng nếu bạn còn tin, còn hy vọng, thì phép màu vẫn có thể xảy ra”.
Cũng giống gia đình chị Huyền, vợ chồng chị Hoàng Thị Nguyệt (Thanh Hóa) đã phải chờ đợi nhiều năm. Nhờ gói hỗ trợ 100 triệu đồng làm thụ tinh trong ống nghiệm, con đầu lòng của anh chị nay đã hơn một tháng tuổi, khỏe mạnh và kháu khỉnh.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội – chia sẻ: “Bằng việc hỗ trợ tài chính cho các gia đình khó khăn, chúng tôi mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình tìm con”.
Theo bác sĩ Hiền, cần nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản từ sớm, thậm chí trước hôn nhân. Vô sinh không còn là vấn đề cá biệt khi hiện nay Việt Nam có đến 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn mỗi năm, trong đó gần 50% ở độ tuổi dưới 30. Nguyên nhân đến từ cả hai phía – nam và nữ.
Tin vui là trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam đang tiệm cận với các nước phát triển. Hơn 50 trung tâm IVF trên cả nước đang ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến thầm lặng nhưng tràn đầy hy vọng này.