Đây là loại hải sản rất giàu protein và dưỡng chất, đặc biệt tốt cho sức khỏe. Loại hải sản này có sẵn ở vùng biển của Việt Nam.
Protein là một trong những dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể phát triển và duy trì các chức năng sống quan trọng. Protein hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào, cải thiện sức khỏe cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch. Khi nhắc đến các thực phẩm giàu protein, nhiều người nghĩ ngay đến thịt bò. Tuy nhiên, thực tế có một loại hải sản giàu protein, vượt qua cả thịt bò. Đó là bạch tuộc.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100g bạch tuộc cung cấp 30g protein, cao hơn nhiều so với 26g protein trong 100g thịt bò.
Ngoài protein, trong 100g bạch tuộc còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi khác như: 2,08g chất béo; 106mg canxi; 9.54mg sắt; 60mg magiê; 279mg phốt pho; 630mg kali; 3,36mg kẽm; 8mg vitamin C; 3,78mg vitamin B3; 0,9mg vitamin B5,…
Với hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú, bạch tuộc có thể đem đến một số lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Lợi ích khi ăn bạch tuộc
Bạch tuộc giàu protein nhưng chứa ít chất béo. Do đó, bạch tuộc là một trong những thực phẩm phù hợp với những người đang cố gắng kiểm soát cân nặng.
Bạch tuộc cũng chứa nhiều axit béo omega-3, đem đến nhiều lợi ích cho tim mạch. Omega-3 có thể làm giảm huyết áp và làm chậm sự tích tụ mảng bám trong động mạch, giảm căng thẳng lên tim, theo trang WebMD.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy omega-3 có tác dụng chống viêm, có thể giảm mức triglyceride và chất béo trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ phát triển tình trạng rối loạn nhịp tim.
Hai trong số các axit béo omega-3 có trong bạch tuộc – axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) – được cho là có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị trầm cảm và các vấn đề rối loạn tâm trạng khác.
Ngoài omega-3, bạch tuộc cũng chứa taurine, một axit amin được các nghiên cứu đánh giá là có thể giảm huyết áp và mức cholesterol trong máu.
Theo trang WebMD, taurine trong bạch tuộc đã được phát hiện có tác dụng chống ung thư và kháng virus. Taurine cũng được cho là có tác dụng chống viêm và hoạt động như một chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào khỏi những tổn thương liên quan đến ung thư.
Bạch tuộc cũng chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa khác có thể giảm nguy cơ ung thư như selen, vitamin nhóm B.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng magiê trong bạch tuộc có thể cải thiện chức năng não bộ, trí nhớ. Thêm bạch tuộc vào chế độ ăn có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer.
Bạch tuộc được người Hàn Quốc ưa thích
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam, bạch tuộc là món ăn khoái khẩu của người dân Hàn Quốc. Người Hàn Quốc sử dụng bạch tuộc trong nhiều món ăn, nổi tiếng nhất là các món bạch tuộc sống, bạch tuộc xào cay, bạch tuộc xiên que, canh bạch tuộc hầm,…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 71,9%. Trong đó, các sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất là bạch tuộc khô, bạch tuộc muối, bạch tuộc sống, bạch tuộc đông lạnh, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc.
Bạch tuộc ở Việt Nam
Bạch tuộc là một trong những loại hải sản quen thuộc ở vùng biển Việt Nam. Theo thông tin tổng hợp trên báo Quảng Ngãi, báo VnExpress, báo Người lao động, báo Dân Việt, báo Bình Thuận, báo Quảng Nam, bạch tuộc được đánh bắt ở nhiều nơi như Tiền Giang, Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang)…
Theo lời kể của các ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, mùa khai thác bạch tuộc sẽ kéo dài từ khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm câu bạch tuộc, ngư dân Trương Tràng, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết, thời điểm thấy bọt biển xuất hiện ở những gành đá cũng là lúc bạch tuộc xuất hiện. Chỉ cần đi dọc theo những gành đá ven bờ là ngư dân có thể câu được bạch tuộc mà không cần ra khơi đối mặt với sóng to nguy hiểm.
Thời điểm thích hợp để câu bạch tuộc là vào ban đêm hoặc sáng sớm. Những ngày nước thủy triều xuống thấp sẽ là lúc ngư dân bắt được nhiều bạch tuộc nhất, theo ngư dân Trương Tràng.
(Theo WebMD, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ)