Thông tin mới vụ phá đường dây thuốc giả quy mô toàn quốc


Trong 14 bị can liên quan tới đường dây sản xuất thuốc giả quy mô toàn quốc do Công an Thanh Hóa triệt phá, có cá nhân từng bị phạt 95 triệu đồng.

Liên quan tới vụ án phá đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả quy mô toàn quốc do Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, đến thời điểm này đã có 14 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi “Buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 194 Bộ Luật Hình sự.

Trong số 14 bị can, có Dương Thị Oanh (SN 1992; ngụ số nhà 62 đường Chu Văn An, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trước đó đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo đó, ngày 1-4-2024, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định số 970, xử phạt bà Dương Thị Oanh đã có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, theo quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 17; Khoản 10, Điều 17; Điểm a, Khoản 12, Điều 17, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, bà Oanh còn bị xử phạt 25 triệu đồng với hành vi vi phạm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 59, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Với các hành vi vi phạm của Dương Thị Oanh bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 95 triệu đồng. Ngoài ra, Dương Thị Oanh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau một thời gian tập trung điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do là Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cầm đầu.

Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả công an thu giữ được gần 10 tấn. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền ước tính gần 200 tỉ đồng.

Kết quả xét nghiệm, phân tích ban đầu, nhóm thuốc đông dược giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, loại không được phép sử dụng trong đông y. Trong khi, nhóm thuốc kháng sinh lại không có tính năng chữa bệnh.

Đáng nói, theo Công an tỉnh Thanh Hóa, tất cả 14 đối tượng trong đường dây đều không có chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất về dược.

Nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc được ổ nhóm này đặt mua không rõ nguồn gốc, xuất xứ như tinh bột, chất kết dính, phụ gia dùng trong y dược, than tre, chất tạo màu… rồi thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường qua các kênh phân phối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *