TPO – Trung tá Bohdan “Puhach” Hryshenkov đã được bổ nhiệm làm chỉ huy mới của Lữ đoàn Lực lượng Đặc nhiệm Azov số 12 thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine.
“Hryshenkov là một sĩ quan chuyên nghiệp với gần một thập kỷ phục vụ Azov. Ông đã thăng tiến qua các cấp bậc, từ một binh sĩ bình thường lên chỉ huy đại đội, tham mưu trưởng và chỉ huy tiểu đoàn”, Lữ đoàn Đặc nhiệm Azov số 12 cho biết trên Instagram.
Ông Hryshenkov tiếp quản lữ đoàn vào thời điểm đơn vị này phát triển mạnh mẽ nhất. “Ông sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo đơn vị hoạt động hiệu quả khi hợp tác với các lữ đoàn khác của Quân đoàn Azov số 1”, trích thông báo.
Hryshenkov (31 tuổi), sinh ra tại thị trấn Sloviansk thuộc tỉnh Donetsk và gia nhập Azov vào năm 2015.
Trong quá trình bảo vệ Mariupol vào năm 2022, Hryshenkov chỉ huy một trong những đại đội của Azov và bị thương. Sau khi rời nhà máy thép Azovstal, Hryshenkov bị lực lượng Nga bắt và giam giữ tại trại giam Olenivka ở Donetsk. Khi trại giam bị tấn công, Hryshenkov đã bị thương do mảnh đạn và mất hai ngón chân.
Sau khi được trả tự do và phục hồi chức năng, Hryshenkov trở lại mặt trận, tham gia các trận chiến ở Rừng Serebrianka và mặt trận Toretsk.
Nga – Ukraine sắp trao đổi tù nhân quy mô lớn
Nguồn tin của Sky News cho biết, một cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra vào hôm nay (19/4).
Cụ thể, mỗi bên dự kiến sẽ trao trả 246 tù nhân, bao gồm 46 binh sĩ bị thương.
Cuộc trao đổi được tiến hành với sự trung gian của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Nga củng cố vị trí ở Kalynove, chuẩn bị tấn công Kostiantynivka (Donetsk)
Blog quân sự DeepState ngày 19/4 cho biết, lực lượng Nga đang tích cực củng cố các vị trí tại làng Kalynove thuộc tỉnh Donetsk, di chuyển bộ binh, thiết lập hệ thống hậu cần và thông tin liên lạc.
Ngoài ra, quân đội Nga còn chuẩn bị cho các hành động tấn công theo hướng Stara Mykolaivka và Kostiantynivka.
Một mối đe dọa đáng kể đối với các đơn vị Ukraine ở khu vực này của mặt trận vẫn là việc sử dụng máy bay không người lái của Nga trên diện rộng. Quân nhân Ukraine cho biết, các nhóm máy bay không người lái của Nga từng tham gia chiến đấu ở tỉnh Kursk đã được điều khu vực này.
“Lực lượng Nga hiện có thể dễ dàng tiếp cận Kostiantynivka”, các binh sĩ Ukraine lưu ý.
Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ có thể từ bỏ vai trò trung gian đàm phán thỏa thuận hòa bình ở Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Washington có thể từ bỏ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine nếu Mátxcơva và Kiev không tham gia đàm phán. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Mỹ vẫn hy vọng cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc.
Trả lời các phóng viên hôm 18/4, ông Trump được yêu cầu bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, rằng Nhà Trắng có thể từ bỏ nỗ lực làm trung gian cho một giải pháp hòa bình.
“Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên khiến mọi việc trở nên quá khó khăn, chúng tôi sẽ từ bỏ, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ không phải làm vậy”.
“Ông Rubio đã đúng khi nhấn mạnh chúng tôi muốn thấy cuộc xung đột kết thúc”, Tổng thống Trump nói, lưu ý rằng: “Tôi nghĩ chúng ta có cơ hội tốt để giải quyết vấn đề”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Nhà Trắng vẫn đang chờ xem liệu một thỏa thuận hòa bình “có thể thực hiện được” hay không.
“Chúng tôi sẽ không kéo dài nỗ lực này qua nhiều tuần và nhiều tháng. Vì vậy, chúng tôi cần phải xác định ngay bây giờ, trong vài ngày, rằng liệu điều này có khả thi trong vài tuần tới hay không”, ông Rubio nói tại Paris sau khi gặp các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine.
“Tổng thống đã dành nhiều thời gian và năng lượng cho việc này. Điều này rất quan trọng, nhưng có rất nhiều điều quan trọng khác đang diễn ra cũng đáng được chú ý, nếu không muốn nói là cần chú ý nhiều hơn”.
Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố ông muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine càng sớm càng tốt. Nga và Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Hai nước đã tổ chức một số vòng đàm phán cấp cao, trong khi Ukraine và các đồng minh phương Tây vẫn tiếp tục thúc đẩy leo thang.
Nga vẫn duy trì quan điểm rằng nước này sẵn sàng đàm phán hòa bình, miễn là các yêu cầu an ninh cốt lõi được giải quyết. Nga phản đối bất kỳ sự hiện diện nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ Ukraine, yêu cầu Kiev công nhận biên giới mới của Nga, từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Nga cũng nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận việc đóng băng cuộc xung đột, cáo buộc Ukraine nhiều lần vi phạm lệnh tạm dừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận hôm 18/4, rằng các cuộc đàm phán hoà bình rất “khó khăn”, nhưng Nga vẫn cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông cho biết đã có một số tiến triển, nhưng nhiều vấn đề thách thức vẫn còn trên bàn đàm phán.