Người phụ nữ chuyển khoản nhầm 420 triệu đồng, nhưng chỉ được trả lại 200 triệu, người nhận khẳng định: “Chị phải đền bù tổn thất cho tôi trước”


Người phụ nữ Trung Quốc không hề phát hiện ra bản thân chuyển khoản nhầm cho đến khi người bạn thông báo chưa nhận được tiền.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cuộc sống của con người ngày càng tiện lợi hơn. Thay vì sử dụng tiền mặt, giờ đây, mọi người chuyển sang hình thức chuyển khoản. Chỉ cần mang chiếc điện thoại, bạn có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi. 

Tuy nhiên, mọi thứ đều có 2 mặt. Bên cạnh sự tiện lợi, việc chuyển khoản cũng khiến người sử dụng gặp phải một số phiền toái nếu không cẩn thận. Trường hợp của cô Kim (Trung Quốc) dưới đây là một ví dụ điển hình. 

Theo đó, do nhu cầu công việc, điện thoại di động của chị luôn kè kè bên mình. Tất cả các giao dịch và chuyển khoản tài chính của chị đều được thực hiện qua điện thoại. 

Gần đây, một người bạn nhắn tin cho chị Kim thông báo cần gấp 120.000 NDT (khoảng 420 triệu đồng) và muốn được giúp đỡ. Sẵn tiền trong tài khoản, chị nhận lời đồng ý. 

Song do thao tác nhanh và không kiểm tra kỹ thông tin, chị đã chuyển khoản nhầm số tiền trên đến một tài khoản trùng tên với  người bạn Mã Kiến Bình. Chị chỉ phát hiện ra điều này khi thông báo với bạn đã chuyển khoản thành công. Song do sai số tài khoản nên người này khẳng định chưa nhận được bất kỳ số tiền nào. 

Đến lúc này, chị mới vội vàng lấy điện thoại ra xem lại lịch sử giao dịch và thừa nhận mình đã chuyển khoản nhầm. Thực tế này khiến chị Kim vô cùng lo lắng. Chị muốn nhanh chóng tìm ra người này để đòi lại khoản tiền trên. Bởi 120.000 NDT không phải là một số tiền nhỏ. 

Nhờ sự giúp đỡ của một số người quen, chị Kim nhanh chóng có số điện thoại và WeChat của người nhận nhầm tiền. Chị vội vàng liên lạc với đối phương. Song người này không nghe máy và cũng không trả lời tin nhắn WeChat.

Trong lúc bất lực, chị Kim quyết định đăng thông tin cá nhân của người này lên trang cá nhân, hy vọng bạn bè có thể tìm giúp. Không ngờ chỉ sau ít giờ, người tên Mã Kiến Bình nhận nhầm số tiền trên đã liên hệ. 

Người này cho biết sẽ trả lại toàn bộ số tiền 120.000 NDT nhưng yêu cầu chị Kim phải đền bù tiền. Bởi chị đã tự ý đăng tải thông tin cá nhân của anh lên mạng xã hội khi chưa có sự cho phép. Mã Kiến Bình cho rằng hành vi này xâm phạm đến đời tư của bản thân và chị phải chịu trách nhiệm tương ứng.    

Phản ứng của người đàn ông này khiến chị Kim vô cùng tức giận. Chị quyết định mời luật sư can thiệp. Lúc này, đối phương mới đồng ý trả lại chị số tiền nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra giao dịch, người phụ nữ phát hiện Mã Kiến Bình chỉ mới trả lại ½ số tiền, tương ứng 60.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng). 

Chị tiếp tục yêu cầu đối phương giải thích. Tuy nhiên người này vẫn khăng khăng khẳng định chỉ trả lại số tiền còn lại sau khi nhận được khoản đền bù thỏa đáng.

Không thể nhân nhượng được nữa, chị Kim đã tìm đến cảnh sát địa phương để được hỗ trợ. Ngay sau đó, 2 bên đã có cuộc gặp mặt trực tiếp tại trụ sở cảnh sát để làm rõ mọi việc. Tại đây, Mã Kiến Bình được nghe giải thích về việc có thể bị xem xét trách nhiệm về hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác nếu không hoàn trả số tiền 60.000 NDT còn lại. 

Đồng thời, viên cảnh sát được phân công xem xét vụ việc này cho biết, việc anh Mã cáo buộc chị Kim đăng tải thông tin cá nhân của anh lên mạng xã hội gây ra tổn thất tinh thần là vấn đề độc lập. Việc này không liên quan đến số tiền chuyển khoản nhầm. Đó không phải là căn cứ để anh được phép giữ lại số tiền 60.000 NDT. 

Sau khi đã được nghe phổ biến, ngay tại trụ sở cảnh sát, Mã Kiến Bình đã hoàn trả nốt số tiền còn lại cho chị Kim và không đòi hỏi bất kỳ một khoản đền bù nào.      

 (Theo Sohu)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *