Nga bất ngờ trả tài sản từng tịch thu cho một công ty EU: Sẵn sàng mở cửa với phương Tây nhưng quan chức cấp cao thừa nhận ‘chưa ai muốn quay lại’


Nỗ lực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phương Tây trở lại thị trường Nga diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow và Washington có phần hạ nhiệt.

 - Ảnh 1.

Cách đây 12 tháng, chi nhánh tại Nga của nhà sản xuất hệ thống sưởi Ariston của Ý đã bị Moscow tịch thu tài sản và chuyển giao cho nhà sản xuất khí đốt lớn nhất Nga. Tuy nhiên, tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh mới để trả lại Ariston cho Ý.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quan chức Nga gần đây phát tín hiệu rằng Moscow sẵn sàng cho sự trở lại của các doanh nghiệp nước ngoài, dù họ sẽ phải tuân thủ một số điều kiện nghiêm ngặt.

Sắc lệnh đã được ký vào ngày 26/3, theo đó Nga trả lại hoạt động kinh doanh tại nước này, với khoảng 300 nhân viên, trao cho Ariston quyền sở hữu và quyền kiểm soát hoạt động hoàn toàn.

Nỗ lực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phương Tây trở lại diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow và Washington có phần hạ nhiệt. Dù hiện vẫn rất ít dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp phương Tây lớn có ý định trở lại Nga, song Điện Kremlin vẫn muốn đưa ra một số điều khoản.

Tháng trước, ông Putin đã gợi ý rằng bất kỳ doanh nghiệp nào quay trở lại sẽ phải “bảo đảm bắt buộc về hành vi có lương tâm và có trách nhiệm”. Trong khi đó, Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia của Nga, cho biết một điều kiện để quay trở lại có thể là liên doanh với một đối tác Nga.

Quay trở lại với Ariston, rrước khi mâu thuẫn Nga – Ukraine xảy ra, doanh nghiệp này đã hoạt động ở Nga trong gần nửa thế kỷ. Việc tịch thu và chuyển giao tài sản cho Gazprom đã khiến Rome và Brussels “đứng ngồi không yên”.

Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã triệu tập đại sứ Nga tại Ý, Alexey Paramonov, để phản đối động thái này. Song, việc Nga tịch thu tài sản được nêu rõ ngay từ đầu là “tạm thời và có thể hủy bỏ”.

Một người tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Moscow và Rome tiết lộ Ariston có thể là mục tiêu trả đũa cho việc châu Âu tịch thu tài sản của các công ty con của Gazprom và Rosneft.

Tuy nhiên, Gazprom Household Systems, công ty con nắm quyền kiểm soát chi nhánh Ariston tại Nga, đã gặp nhiều khó khăn để vận hành hoạt động kinh doanh. Theo nguồn tin thân cận, đây là một yếu tố có thể khiến Moscow nhanh chóng đảo ngược động thái cứng rắn trước đó.

“Ông chủ” của Ariston, Paolo Merloni, cho biết trong một thông báo vào tháng trước rằng, quyết định của Moscow là “dấu hiệu công nhận nhiều thập kỷ đầu tư và quản lý có trách nhiệm” của họ tại Nga. Ông cũng khẳng định cam kết của công ty trong việc “tiếp tục hành trình” tại quốc gia này, dù vẫn phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây và các quy định của địa phương.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có thành công trong việc khuyến khích cách doanh nghiệp nước ngoài khác quay trở lại hay không. Ivan Chebeskov, Thứ trưởng Tài chính Nga, cho biết rằng cơ quan này vẫn chưa nhận được bất kỳ đơn đăng ký nào từ các doanh nghiệp nước ngoài muốn quay trở lại Nga.

Một số nguồn tin thân cận tiết lộ rằng một số công ty nước ngoài vẫn đang muốn rút khỏi thị trường Nga, hiện đang dần dần thực hiện các kế hoạch này cho đến khi họ nhận thấy tình hình có sự cải thiện.

Tham khảo FT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *