Ấn Độ đang cố gắng loại Nga ra khỏi thị trường vũ khí, thậm chí ngay tại những quốc gia bạn hàng truyền thống.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ đang nhanh chóng củng cố vị thế của mình trên thị trường vũ khí toàn cầu, tận dụng lợi thế từ sự suy giảm nguồn cung vũ khí từ Nga, vốn đã sụt giảm 64% trong 5 năm qua.
Thủ tướng Narendra Modi đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là biến đất nước này thành quốc gia xuất khẩu lớn không chỉ các mặt hàng điện tử mà còn cả thiết bị quân sự, bao gồm đạn pháo, hệ thống tên lửa, trực thăng và tàu chiến.
Trọng tâm chính trong chiến lược xuất khẩu của Delhi là các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á – những khu vực mà Nga thường giữ vị trí dẫn đầu.
Ấn Độ hy vọng có thể cung cấp cho những quốc gia này một giải pháp thay thế cho các hệ thống vũ khí của Liên Xô và Nga vốn khác với tiêu chuẩn NATO, khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với các đối tác có lực lượng vũ trang lạc hậu.
Để thực hiện kế hoạch của mình, Ấn Độ đang mở rộng sự hiện diện ngoại giao. Đến tháng 3 năm 2026, ít nhất 20 tùy viên quân sự mới sẽ xuất hiện tại các đại sứ quán đặt ở những các quốc gia bao gồm Algeria, Argentina, Guyana, Tanzania, Morocco, Ethiopia và Campuchia.
Những nước trên từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí từ Liên Xô và Nga: ví dụ, Algeria – một trong những khách hàng lớn nhất của Moskva, đã nhận được 48% lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2020 – 2024.
Armenia đã trở thành một ví dụ điển hình về sự thành công của Ấn Độ. Kể từ năm 2022, Delhi đã tích cực tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Yerevan, khi nước này mất niềm tin vào độ tin cậy của Moskva.
Theo SIPRI, trong giai đoạn 2022 – 2024, Ấn Độ chiếm 43% lượng vũ khí nhập khẩu của Armenia, trong khi giai đoạn 2016 – 2018, thị phần của New Delhi gần như bằng không.
Công ty Rosoboronexport của Nga không bình luận về cuộc cạnh tranh này mà chỉ đề cập đến các cuộc đàm phán với Ấn Độ về việc sản xuất chung và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Chiến dịch xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ dựa vào các công cụ tài chính và ngoại giao. New Delhi cung cấp cho quốc gia mua hàng khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EXIM), giúp sản phẩm quốc phòng của họ có khả năng cạnh tranh với các ưu đãi từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.
Vào tháng 1 năm 2025, EXIM đã mở một văn phòng tại Brazil và Công ty Bharat Electronics Ltd khai trương văn phòng đại diện tại Sao Paulo để quảng bá hệ thống tên lửa Akash.
Theo tờ The Hindu, xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ trong giai đoạn 2023 – 2024 sẽ đạt 210,8 tỷ Rupee (khoảng 2,5 tỷ USD), tăng 32,5% so với năm trước. Những thành tựu chính bao gồm hợp đồng cung cấp đạn pháo cho Ukraine và hệ thống tên lửa cho Armenia, chứng minh khả năng thích ứng của Ấn Độ với nhu cầu thị trường.
Châu Phi vẫn là ưu tiên hàng đầu của New Delhi. Theo SIPRI, Nga đã cung cấp 21% vũ khí cho khu vực này trong giai đoạn 2020 – 2024, nhưng Ấn Độ đã tạo dựng được chỗ đứng ở các quốc gia như Ethiopia và Tanzania, khi cung cấp xe chiến đấu hạng nhẹ và pháo binh.
Ở Nam Mỹ, Delhi đang đàm phán với Brazil về việc cung cấp tàu chiến và tên lửa, còn ở Đông Nam Á, Delhi đang tập trung vào Việt Nam và Philippines – những nước có truyền thống mua vũ khí của Liên Xô.
Theo tờ Diplomat, Ấn Độ đang đặt cược vào việc chứng minh các hệ thống vũ khí của mình trong điều kiện chiến đấu để giành được lòng tin của người mua. Ví dụ, việc sử dụng thành công máy bay không người lái trong cuộc tập trận với Myanmar đã thu hút sự chú ý của các nước ASEAN khác.
Theo Avia-pro