Cơ quan chức năng xác định đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả cực lớn vừa bị triệt phá đã sử dụng 2 hệ thống kế toán và nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn thuế.
Lập 2 hệ thống sổ sách kế toán
Mới đây, Bộ Công an thông tin về việc Cơ quan CSĐT đang tiến hành điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài số sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Cảnh sát xác định, Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi, trú xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội) và Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, trú phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) là 2 người có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Báo Công an nhân dẫn kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2021 đến nay, với sự thống nhất, điều hành trong hoạt động của Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường và Đặng Trung Kiên (Phó giám đốc) và bộ phận kế toán, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đã có hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, không ghi nhận đầy đủ doanh thu vào sổ sách kế toán và trốn kê khai thuế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước ước tính hơn 28 tỷ đồng.
Trong đó, qua kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán Công ty Rance Pharma cho thấy tổng lợi nhuận thực tế (lãi gộp) 4 năm (từ 2021-2024) là 102.466.018.403 đồng, trong khi công ty này chỉ khai báo thuế 4.757.979.275 đồng, để ngoài sổ sách kế toán số tiền lợi nhuận là 97.708.037.128 đồng, gây thất thoát lớn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách Nhà nước.
Thêm nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với tờ Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phân tích, sản xuất sữa giả đầu vào rất rẻ, giá bán thành phẩm lại rất cao.
“Nếu hạch toán đúng, lợi nhuận rất lớn, từ đó 20% thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp cũng tăng vọt. Các doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một để kê khai doanh thu, chi phí thực tế phục vụ nhu cầu quản trị. Hệ thống còn lại để tối ưu hóa, giúp công ty phải nộp mức thuế thấp nhất”, ông Tú phân tích về chiêu trò trốn thuế trong đường dây.
Ngoài câu chuyện lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, ông Tú còn lưu ý vấn đề, các đối tượng sản xuất, phân phối sữa giả thành lập hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp, đưa hàng hóa bán qua, bán lại lòng vòng, thậm chí có những lô hàng bán lỗ… Đây cũng là cách để doanh nghiệp lách luật, trốn thuế.

Vụ án vừa bị triệt phá được xác định là đường dây sữa bột giả lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp).
Đáng chú ý, theo phân tích trên tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân giúp đường dây sữa giả dễ dàng tung hoành là do các đối tượng đã tận dụng triệt để cơ chế “tự công bố” sản phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và cam kết, không cần kiểm nghiệm hay đánh giá chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Các sản phẩm sữa được phân phối qua nhiều kênh không chính thống như nhà thuốc nhỏ lẻ, cửa hàng sữa tư nhân và đặc biệt là nền tảng online, nơi không yêu cầu hóa đơn, không truy xuất nguồn gốc, khó kiểm tra dòng tiền.