Tâm sự của cô gái 25 tuổi này hiện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
“Cứ YOLO đi vì ta chỉ sống có một lần trên đời” là châm ngôn của không ít người, đặc biệt là người trẻ. Nghĩ theo hướng tích cực, việc không ngại trải nghiệm giúp chúng ta có thêm vốn sống lẫn vốn hiểu biết. Nhưng việc gì cũng có 2 mặt cả, “sống YOLO” cũng vậy, đặc biệt là khi vì ham trải nghiệm quá mà thành ra tiêu sạch cả tiền, không có nổi một đồng phòng thân.
Chia sẻ của cô gái 25 tuổi trong câu chuyện dưới đây, tiếc thay, lại là một trường hợp như vậy.
Bất lực nhìn mẹ đau chân 2 tuần không có tiền đi khám, nhà hết cả gạo lẫn thức ăn
Nguyên văn tâm sự của cô gái này như sau: “Em sinh năm 2000, đi làm mấy năm mà lương bèo bọt chỉ dừng lại ở mức 12 triệu. Tháng nào em tiêu cẩn thận thì sẽ đủ, còn nếu không thì sẽ âm tiền.
Hồi mới đi làm em cũng tiết kiệm, nhưng sau này thấy mọi thứ đều đắt đỏ, dù em có cố gắng tiết kiệm đến đâu thì cũng chẳng biết đến bao giờ mới đủ tiền mua được 1 mét đất Hà Nội, từ đấy em có suy nghĩ sẽ ăn tiêu cho thoải mái, tiêu đến xu cuối cùng thì thôi…
Bạn bè rủ đi shopping em cũng chả ngại bỏ ra 1-2 triệu để mua quần áo. Cái cảm giác được sở hữu những món đồ đắt tiền, nó khác lắm.
Cuối tuần rồi em về quê, mẹ em bảo ra Hà Nội lương được bao nhiêu cho mẹ 2 triệu đi khám chụp chiếu vì mẹ viêm khớp chân mà mẹ không có BHYT. Trong tài khoản em lúc ấy còn đúng 500k nên em bảo mẹ là em hết tiền, chờ mùng 10 tháng sau có lương em sẽ cho mẹ cả 5 triệu…
Hôm nay em gái em nhắn tin là mẹ em bị đau chân không đi làm được 2 tuần nay rồi, nhà hết gạo hết cả thức ăn luôn, vì lúa chưa chín, nó xin em 100k để mua gạo với thuốc giảm đau cho mẹ. Lúc ấy tự nhiên nước mắt em ứa ra, bao lâu nay em vẫn luôn sống ích kỷ, em chỉ biết đến cuộc đời của em, còn mẹ với em gái thì sống lam lũ. Em gái em cũng bảo là chỉ học hết năm nay cho có bằng cấp 2 là nó sẽ đi làm may để giúp đỡ mẹ vì nó học dốt hơn em nên nó bảo chả cần phải đi học làm gì, nó muốn sống gần mẹ để tiện chăm sóc cho mẹ vì bố em mất sớm. Em cảm thấy em đã sống quá tồi tệ, em còn không cả bằng đứa em đang tuổi ăn tuổi chơi”.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải thở dài khi đọc những dòng tâm sự này. Có người thẳng thắn chê trách, cũng có người động viên “nhận ra mình sai thì giờ cố gắng sửa thôi, dù sao vẫn không phải là không còn cơ hội”.
“Không bênh được điểm nào, phải công nhận bạn này tệ thật… Ngày xưa cách đây 15-16 năm, mình mới ra trường đi làm trên Hà Nội lương được có 1,5 – 2 triệu mà gửi về phụ bố mẹ 1 nửa hàng tháng luôn” – Một người thẳng thắn.
“Thay đổi thôi bạn ơi, bố mẹ tớ cũng làm nông, tớ cũng sinh năm 2000, sau tớ còn có em út, lương tớ cũng ngang với lương cậu thôi. Nhà mình khó khăn thì nghĩ cho gia đình một chút, tớ đi học thì vay chính sách xã hội, học xong tớ cũng phải nuôi em tớ học đại học vì bố mẹ tớ cũng lớn tuổi rồi, nhà không có khả năng. Hàng tháng tớ vẫn trả tiền điện nước cho gia đình, gửi gia đình cả gốc lẫn lãi nộp ngân hàng rồi gửi thêm 1 ít dư để mẹ mua thêm sữa uống, xong còn phải để ra một khoản để đến tháng nộp tiền học đại học cho em út.
Thế nên không quan trọng làm ra bao nhiêu tiền mà là tiêu bao nhiêu và tiết kiệm như nào. Ăn chơi sắm đồ thì vui, nhưng sẽ vui hơn khi bố mẹ gặp khó khăn mà mình có thể giúp được phần nào” – Một người khuyên.
“Mẹ mình 1 thân nuôi mình từ năm mình lớp 3. Hồi đấy mẹ mình làm kế toán lương 5 triệu, cho tới khi mình ra trường thì lương của mẹ cũng chỉ loanh quanh 9-10 triệu thôi. Vậy mà vẫn xoay thế nào để trả nợ mua nhà ở quê, cho mình học thêm đầy đủ hết cả 4 năm đại học. Kể ra vậy để bạn thấy thu nhập không quan trọng bằng cách mình chi tiêu, nhà khó thì phải biết vun vén bạn ạ” – Một người khác bày tỏ.
3 việc cần làm ngay nếu muốn thoát cảnh nhẵn túi
1. Kiểm soát chi tiêu chặt chẽ và hiệu quả
Trong giai đoạn bất ổn tài chính, việc kiểm soát chi tiêu trở nên vô cùng quan trọng. Hãy rà soát lại toàn bộ các khoản chi tiêu hàng tháng, từ chi phí sinh hoạt hàng ngày đến các khoản chi tiêu không thường xuyên. Bước tiếp theo là xác định những khoản chi tiêu không cần thiết và cắt giảm chúng một cách triệt để.
Lập một ngân sách chi tiêu chi tiết, ghi rõ các khoản thu nhập và chi tiêu dự kiến, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt theo ngân sách đã lập. Hạn chế tối đa việc sử dụng thẻ tín dụng và vay nợ, bởi chúng có thể tạo ra gánh nặng tài chính lớn hơn trong tương lai. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tiết kiệm và sử dụng tiền mặt một cách thông minh.
2. Xây dựng quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng tài chính đóng vai trò như một “tấm đệm” an toàn, giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn khi mất việc hoặc thu nhập giảm. Hãy tưởng tượng quỹ dự phòng như một khoản tiết kiệm đặc biệt, chỉ được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp.
Để xây dựng quỹ này, hãy đặt mục tiêu tiết kiệm một khoản tiền đủ để trang trải chi phí sinh hoạt thiết yếu từ 3 đến 6 tháng. Bạn có thể chia nhỏ mục tiêu này thành các khoản tiết kiệm hàng tháng. Điều quan trọng là phải duy trì tính kỷ luật và kiên nhẫn trong quá trình xây dựng quỹ dự phòng, tránh sử dụng quỹ cho những mục đích không thực sự cần thiết.
3. Chủ động đa dạng thu nhập
Trong bối cảnh thị trường lao động biến động, việc chỉ dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hãy chủ động tìm kiếm các cơ hội gia tăng thu nhập, chẳng hạn như làm thêm các công việc bán thời gian, làm việc tự do (freelance). Đồng thời, không ngừng học hỏi và phát triển các kỹ năng mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động. Tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho người lao động, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp, để có thể tận dụng khi cần thiết. Việc chủ động tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế không chỉ giúp bạn ổn định tài chính mà còn tạo ra sự linh hoạt và tự tin trong cuộc sống.