Theo dự thảo đề án sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, dự kiến có 24 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau khi hai tỉnh này sáp nhập thành tỉnh Bắc Ninh mới.
Ngày 16/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị chuyên đề, trong đó có nội dung về đề án sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh .
Theo dự thảo đề án, tỉnh Bắc Giang có diện tích tự nhiên hơn 3.800 km 2 , quy mô dân số hơn 2 triệu người, số đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 đơn vị cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện), 192 đơn vị hành chính cấp xã (35 phường, 14 thị trấn, 143 xã).
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên hơn 800 km 2 , dân số hơn 1,5 triệu người và 8 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành và huyện Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài); có 121 đơn vị hành chính cấp xã.
Thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập địa giới đơn vị hành chính tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang. Tên gọi đơn vị hành chính tỉnh mới sau sắp xếp là tỉnh Bắc Ninh. Nơi đặt trung tâm hành chính – chính trị tỉnh Bắc Ninh (mới) ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh (mới) sau sắp xếp có diện tích tự nhiên hơn 4.700 km 2 , quy mô dân số hơn 3,6 triệu người và 99 đơn vị hành chính trực thuộc.
Việc sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) là thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời là phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo tín ngưỡng do cùng có chung nguồn gốc lịch sử, cùng được tách ra từ tỉnh Hà Bắc.
Cũng theo dự thảo đề án, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (mới), gồm có 84 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm có 24 đồng chí ; Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Bí thư Tỉnh ủy theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ và hướng dẫn của Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh mới (16 đại biểu), kiện toàn Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.