Luộc ngô nước nóng hay lạnh? 5 mẹo luộc ngô ngon ngọt, giàu dinh dưỡng


Chỉ với 5 mẹo nhỏ, rất đơn giản dưới đây, bạn đã có thể “nâng cấp” món ngô luộc với phiên bản đẹp mắt, ngon miệng và giữ được nhiều dinh dưỡng hơn.

Ngô không chỉ là một món ăn dân dã, dễ chế biến mà còn là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Trong mỗi bắp ngô chứa nhiều protein, vitamin A, B1, B2, chất xơ, khoáng chất như magie, kali, selen và các axit béo không bão hòa. Đặc biệt, ngô rất giàu lutein và zeaxanthin – hai hoạt chất giúp bảo vệ mắt, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa.

Một điểm đáng chú ý khác là niacin (vitamin B3) trong ngô vốn khó hấp thụ do bị “khoá” bởi các phân tử khác. Nhưng nếu biết cách luộc đúng, bạn sẽ giúp giải phóng niacin, giúp cơ thể hấp thu tốt hơn. Chính vì thế, ngô luộc không chỉ ngon mà còn có thể trở thành món ăn hỗ trợ sức khỏe toàn diện nếu chế biến đúng cách.

Vậy nên luộc ngô bằng nước lạnh hay nước nóng? Làm sao để ngô căng mọng, vàng ươm và giữ nguyên dưỡng chất? Dưới đây là 5 mẹo đơn giản nhưng hiệu quả mà bạn nên áp dụng:

1. Lột vỏ nhưng giữ lại 1 – 2 lớp lá và râu ngô

Đừng bóc sạch hết lớp vỏ ngoài của ngô. Hãy giữ lại phần râu ngô và một đến hai lớp lá mỏng. Lớp lá này có tác dụng như “lá chắn ẩm”, giúp ngô không bị mất nước trong quá trình đun, giữ cho hạt luôn căng mọng, mềm dẻo và ngọt hơn. Ngoài ra, râu ngô cũng có tác dụng lợi tiểu, tốt cho thận, nên giữ lại để tăng thêm lợi ích sức khỏe.

2. Cho ngô vào nồi nước lạnh từ đầu

Nhiều người quen đợi nước sôi rồi mới cho ngô vào, nhưng đây là cách khiến ngô bị “sốc nhiệt”, chín không đều và dễ bị sượng trong. Cách tốt nhất là cho ngô vào nồi nước lạnh từ đầu, đun sôi từ từ để nhiệt lan đều vào từng hạt ngô, giúp ngô chín từ trong ra ngoài, giữ được hương vị tự nhiên.

3. Thêm một ít baking soda vào nước luộc

Chỉ cần 1/4 thìa baking soda là đã đủ để tạo nên sự khác biệt lớn. Baking soda giúp phá vỡ liên kết giữa niacin và các phân tử khác trong ngô, giải phóng niacin để cơ thể dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, baking soda còn giúp giữ lại vitamin B1 và B2, giúp ngô ngọt và vàng hơn. Bạn sẽ nhận thấy phần hạt căng bóng, vị đậm đà hơn hẳn cách luộc thông thường.

4. Thêm muối ở giai đoạn cuối

Nhiều người quen tay nêm muối ngay từ đầu, nhưng điều này khiến ngô bị rút nước, dễ bị khô và nhạt vị. Hãy để ngô gần chín mới rắc chút muối, hoặc tốt nhất là nêm sau khi luộc xong. Muối khi thêm vào cuối sẽ làm tăng vị ngọt tự nhiên mà không làm ngô bị teo lại. Nhớ chỉ thêm 1/4 thìa cà phê muối (không chứa hành hay bột ngọt, ớt) cho khoảng 1 lít nước luộc ngô nhé. Cũng có thể rắc nhẹ vài hạt muối trực tiếp lên ngô trước khi vớt ra.

5. Vớt ngô ra ngay sau khi chín, để ráo

Sau khi ngô đã đạt độ chín mong muốn (thường sau 10-12 phút kể từ khi sôi), hãy vớt ra ngay và để ráo nước. Việc để ngô ngâm trong nước nóng quá lâu sẽ khiến hạt bị bở, mất độ ngọt và dễ mềm nhũn nhưng nhiều người lại hiểu lầm ngô sẽ ngọn hơn. Nếu muốn ngô có vị đậm hơn, bạn có thể rắc nhẹ chút muối hoặc bơ khi ngô còn nóng nhưng lưu ý lượng dùng để không ảnh hưởng tới hương vị.

Nguồn và ảnh: HK01, Eating Well

Ngọc Ái

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *