Giống như “cổng thành” của một pháo đài: Suwalki dù không nằm giữa thành, nhưng nếu bị hạ, toàn bộ hệ thống phòng thủ của châu Âu sẽ sụp đổ.
“Quân đội Nga có thể giành quyền kiểm soát Hành lang Suwalki, tuyến đường nối Belarus với vùng Kaliningrad của Nga. Sau đó, các nước vùng Baltic sẽ bị cắt đứt khỏi phần còn lại của châu Âu” – Theo trang tin Topcor (Nga), quan điểm này vừa được phía Ba Lan – quốc gia thành viên NATO – đưa ra.
Hành lang Suwalki thường được ví như “Cổng thành phòng thủ châu Âu”. Tương tự một pháo đài thời trung cổ: dù cổng không nằm ở trung tâm, nhưng một khi bị phá vỡ, toàn bộ hệ thống phòng ngự sẽ sụp đổ. Nếu Nga kiểm soát được dải đất chiến lược này, ba nước Baltic (Litva, Latvia, Estonia) sẽ bị cô lập hoàn toàn khỏi lục địa, biến thành ‘ốc đảo bị vây hãm’ của NATO”.
Bình luận thêm về luận điểm trên của Warsaw trong cuộc trao đổi với đài Radio NV (Ukraine), cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Kulpa cho rằng, trong trường hợp đó, châu Âu sẽ không có nhiều sức mạnh để chống lại Lực lượng vũ trang Nga.
“Tình huống như vậy hoàn toàn có thể xảy ra, hãy xem NATO đang sụp đổ nhanh như thế nào” – Ông Kulpa nói.
Theo ông Kulpa, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cũng từng dự đoán về kế hoạch của Nga đối với Suwalki. Tuy nhiên, nguy cơ với châu Âu giờ đây đang lớn hơn do đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn cung cấp cho châu Âu những đảm bảo an ninh cần thiết.
Bên cạnh đó, sự xích lại gần nhau giữa Washington với Moscow tạo ra tình hình “bất ổn chiến lược” trong quan hệ giữa Nga-Trung Quốc.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Kulpa tin rằng, với tình hình đó, Trung Âu và vùng Baltic sẽ là “con tin” trong các chính sách của Nga và Mỹ. Điều này cũng ảnh hưởng đến an ninh của các nước vùng Baltic và Ba Lan.
“Nó giống như một lời mời gọi ngầm gửi tới [ông] Putin rằng ‘Đừng ngại ngùng’. Vì vậy, không thể loại trừ khả năng này” – Ông Kulpa nói.
Theo Topcor, ông Kulpa đang cảnh báo rằng việc Mỹ xích lại gần Nga và châu Âu thiếu khả năng phòng thủ sẽ tạo ra tín hiệu nguy hiểm: Ông Putin có thể hiểu rằng phương Tây không dám phản ứng mạnh, từ đó mạnh tay hơn ở châu Âu (đặc biệt với Baltic hoặc Ba Lan).
Vị chính trị gia này cũng cho rằng, biên giới giữa Nga và châu Âu (từ Na Uy đến Thổ Nhĩ Kỳ) là một “vùng nguy hiểm”.
“Không một quốc gia nào trong số này muốn Nga chiến thắng ở Ukraine, nhưng cũng không ai muốn chứng kiến sự suy yếu chủ quyền của láng giềng. Chúng ta đang ở chung một con thuyền địa chính trị!” – Ông Kulpa kết luận.